Tại Hội nghị triển khai chương trình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo về giải pháp tổng thể về phân loại, thu gom, xử lý CTR trên địa bàn. Theo đó, ý thức của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thu gom, xử lý rác thải đã được nâng lên; hình thành hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý CTR từ tỉnh đến huyện, xã và khu dân cư; tỉnh đã ban hành phương án xử lý CTR và đơn giá thu gom, xử lý rác thải và cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc xử lý CTR tạo điều kiện cho nhà đầu tư quan tâm thực hiện các dự án xử lý chất thải. 

Thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện lượng CTR sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ước tính khoảng 2.774 tấn/ngày/đêm, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 20%. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay ước đạt 88,5%. Tỷ lệ rác thải được xử lý bằng công nghệ đốt đạt 29,4%, tỷ lệ rác thải được xử lý bằng biện pháp chôn lấp đạt 67,9%, tỷ lệ rác thải được tái chế đạt 2,6%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 bãi chôn lấp rác thải (tại 15 huyện) và 26 khu xử lý rác thải bằng công nghệ đốt (tại 13 huyện). 

26 thanh hoa.jpg
Công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Năm 2022, tỉnh giao chỉ tiêu thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt cho các huyện và tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ngày càng được nâng lên; đã hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt với tổng kinh phí đến nay là 148 tỷ đồng, góp phần giảm thiểu lượng CTR sinh hoạt xử lý bằng biện pháp chôn lấp không hợp vệ sinh đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết công tác quản lý CTR sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nói chung và ở khu vực nông thôn nói riêng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Khối lượng CTRSH phát sinh nhiều, có xu hướng năm sau cao hơn năm trước, kết quả xử lý CTR vẫn chưa đạt được theo yêu cầu, vẫn còn tình trạng rác thải chưa được thu gom, đổ thải chưa đúng quy định ra ven đường giao thông, bờ kênh, mương, bờ sông...; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại các huyện còn thấp, nhất là ở khu vực miền núi; biện pháp xử lý CTR chủ yếu là chôn lấp, tỷ lệ đốt, tái chế chất thải còn thấp, lò đốt có công suất nhỏ; một số bãi rác hiện có đã quá tải, rác thải được thu gom về chưa được xử lý tạo thành điểm ô nhiễm môi trường.

Để công tác phân loại, thu gom và xử lý CTR khu vực nông thôn đi vào nền nếp, đạt hiệu quả, nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý CTR, trong đó, tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện và lồng ghép các quy hoạch quản lý CTR vào quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tỉnh; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, định mức kinh tế, kỹ thuật trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTR; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về quản lý CTR; ban hành danh mục công nghệ xử lý CTR sinh hoạt khuyến cáo áp dụng phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của các địa phương, trong đó chú trọng đến các công nghệ xử lý CTR đi kèm với các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng CTR phải chôn lấp; đẩy mạnh các phương pháp thu gom, phân loại rác thải tại nguồn.

Thu Hiền và nhóm PV, BTV