Thanh niên dân tộc thiểu số của tỉnh Thanh Hóa có trên 130.000 người, bao gồm các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú, chiếm khoảng 13% tổng số thanh niên toàn tỉnh. Về lao động, việc làm và nghề nghiệp, phần lớn thanh niên dân tộc thiểu số chịu khó, cần cù, song tiếp xúc với kinh tế thị trường còn chậm, đa số có việc làm nhưng chất lượng, năng suất lao động chưa cao, sinh sống rải rác, chủ yếu ở vùng biên giới rừng núi, vùng sâu, vùng xa; giao thông đi lại khó khăn.
Xuất phát từ thực tế trên, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Thanh Hoá chủ trương đẩy mạnh kết nối, tạo việc làm cho thanh niên, lao động trẻ vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các cấp bộ Đoàn, Hội phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội, các doanh nghiệp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đoàn viên thanh niên nói chung, đặc biệt là đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng thông qua nhiều hình thức như: Tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm; phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, trung hạn và dài hạn...
Trong năm 2023, tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm và phiên lưu động tại các địa phương. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tích cực thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề.
Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện 54 phiên giao dịch việc làm, tăng 31,7% so với năm 2022 với 389 lượt doanh nghiệp, đơn vị và 22.012 người lao động tham gia tuyển dụng. Qua đó, cung cấp thông tin thị trường lao động cho trên 157.000 lượt người, kết nối việc làm thành công cho 2.211 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong nước, đi làm việc ở nước ngoài và học nghề. Phối hợp thực hiện hỗ trợ đối với trên 5.700 dự án vay vốn giải quyết việc làm, giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 6.000 lao động.
Trung tâm tiến hành thu thập 4.333 phiếu khảo sát thông tin tìm kiếm việc làm của người lao động và 830 phiếu khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 6 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm tại 2 huyện Bá Thước và Lang Chánh. Phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm tại 2 huyện Thường Xuân và Bá Thước. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong tỉnh nói chung, lao động các huyện miền núi nói riêng.