Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quyết tâm của các cấp, các ngành trong xây dựng chính quyền điện tử, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là tỉnh đẩy mạnh cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và đã đạt được kết quả cao trong phát triển chính quyền điện tử. Các hệ thống thông tin đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giao tiếp, trao đổi với chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã giúp cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân thuận tiện, nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm thời gian và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời tăng tính công khai minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.
Hiện nay, mọi hoạt động trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước đều cơ bản diễn ra trên môi trường mạng, văn bản hồ sơ được xử lý và thực hiện trên môi trường điện tử thông qua ứng dụng chữ ký số và phần mềm không giấy tờ. Cùng với đó là phát triển các hệ thống thông tin dùng chung như: Hệ thống đăng nhập một lần; hội nghị truyền hình trực tuyến; nền tảng liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu của tỉnh; hệ thống quản lý văn bản; cổng thông tin điện tử; dịch vụ công trực tuyến; đường truyền số liệu chuyên dùng trong cơ quan nhà nước của tỉnh, hệ thống thư điện tử công vụ... Điều đó cho thấy, việc dịch chuyển mọi hoạt động từ thủ công lên môi trường mạng bên cạnh sự nhanh chóng, thuận tiện cũng đang đặt ra hàng loạt thách thức, rủi ro về vấn đề an toàn thông tin.
Trong năm 2023, trên hệ thống giám sát an toàn không gian mạng tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 25 cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh bị lây nhiễm mã độc kết nối vào mạng máy tính ma Botnet.
Trên hệ thống điều hành an toàn, an ninh mạng của tỉnh phát hiện 836 máy tính của các cơ quan, đơn vị lây nhiễm mã độc, có 580 kết nối nguy hiểm đến các tên miền độc hại ngoài internet. Thực hiện ứng cứu hơn 500 lượt sự cố liên quan đến phần mềm dùng chung trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nhiều trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đang còn tồn tại nhiều lỗ hổng, điểm yếu bảo mật dẫn đến việc bị rà quét, khai thác dữ liệu...
Đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức bảo đảm ATTT
Nhân lực an toàn thông tin là một trong những yếu tố quyết định đến thành công của quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh hoá, do đó trong thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các chương trình, kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, về bảo đảm an toàn thông tin trong chuyển đổi số cho các cán bộ lãnh đạo, công chức trên địa bàn tỉnh.
Đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức cho hơn 3.500 học viên là cán bộ công chức của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, các xã trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đã thành lập đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng bao gồm các thành viên là đầu mối của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công nghệ thông tin- viễn thông trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và tổ chức ứng cứu các sự cố mất an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tại các cơ quan, đơn vị đều thành lập các tổ ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng nhằm bảo đảm sẵn sàng nguồn lực tại chỗ trong các hoạt động ứng cứu, xử lý sự cố tại đơn vị mình.
Đặc biệt, Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cũng phối hợp với Trung tâm Vncert tổ chức chương trình diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin, ứng cứu sự cố cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, thành viên Đội ứng cứu sự cố của các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Thông qua các lớp tập huấn, tạo cơ hội cho các học viên rèn luyện, nâng cao năng lực, nhận thức, kỹ năng thực tế đối việc bảo đảm an toàn thông tin mạng, phân tích mã độc, điều tra chứng cứ số. Từ đó triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng cho đội ngũ cán bộ quản trị mạng và phụ trách công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đồng thời đảm bảo nguồn lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả phương án ứng cứu sự cố, bảo đảm an toàn thông tin mạng, trong đó tập trung đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng của tỉnh
Ngoài đào tạo cho cán bộ chuyên trách an toàn thông tin cấp tỉnh, Thanh Hóa cũng chú trọng đào tạo an toàn thông tin cho cán bộ cấp xã huyện miền núi về kiến thức cơ bản của Internet; Các ứng dụng của công nghệ thông tin – truyền thông và khai thác thông tin trên mạng; Sử dụng thư điện tử công vụ; trang bị kiến thức về An toàn, bảo mật thông tin, dữ liệu.
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; đến năm 2030 tiếp tục trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chính quyền số, Thanh Hóa tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.