Từ thực tế triển khai, tỉnh Thanh Hóa đúc kết, bộ tiêu chí mới về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới, với yêu cầu về chất lượng cao hơn rất nhiều so với các bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020.
Ngay sau khi áp dụng bộ tiêu chí mới vào nửa sau năm 2022, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố để xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí về xã NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, tiêu chí thôn NTM thông minh, huyện NTM nâng cao với những đặc thù riêng của tỉnh.
Sau khi các bộ tiêu chí NTM được ban hành, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh tiếp tục tham mưu kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện bộ tiêu chí mới; tổ chức tập huấn kiến thức Chương trình XDNTM giai đoạn 2022-2025 cho đối tượng là cán bộ huyện, xã trực tiếp tham mưu triển khai thực hiện để nắm bắt, hiểu đúng và đầy đủ các nội dung liên quan.
Số liệu thống kê của tỉnh cho thấy, đối với chỉ tiêu xã NTM, toàn tỉnh còn 119 xã chưa đạt chuẩn NTM, trong đó có 105 xã, chiếm trên 88% số xã chưa được công nhận đạt chuẩn NTM, tập trung ở khu vực miền núi. Do đó, số tiêu chí NTM đạt được và số tiêu chí duy trì đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới của các xã là thấp và khó có khả năng hoàn thành trong thời gian ngắn. Thách thức nhất trong số đó phải kể đến là các chỉ tiêu về nước sạch tập trung; giao thông; nghèo đa chiều; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; cơ sở vật chất văn hóa, cấp mã vùng trồng đối với cây trồng chủ lực; gắn mã địa chỉ số trên bản đồ số…
Từ thực tế triển khai những yêu cầu nâng cao của Bộ tiêu chí XDNTM giai đoạn 2022-2025, tỉnh Thanh Hóa rút ra rằng: để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí này cần nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn thu ngân sách để đầu tư, hỗ trợ của các huyện, xã là rất thấp; nhiều xã miền núi đặc biệt khó khăn có cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt còn thiếu và yếu, kinh tế kém phát triển, dựa vào hỗ trợ từ ngân sách cấp trên là chính.
Việc tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và liên kết sản xuất bền vững cần phải được ưu tiên. Về mặt công nghệ thông tin, bước đầu phải “số hóa” tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội, tuy nhiên hạ tầng phục vụ việc triển khai gắn mã địa chỉ số trên bản đồ số chưa đảm bảo đáp ứng được yêu cầu.
Những tiêu chí nâng cao cũng đòi hỏi các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, theo hướng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng; chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị như hệ thống giao thông, trường học; giảm khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
Bên cạnh đó phải tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và liên kết, hình thành vùng sản xuất, chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyên canh các sản phẩm có lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong các lĩnh vực mà trọng tâm là sản xuất nông nghiệp và lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Đến nay, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh chủ động tổng hợp văn bản hướng dẫn của các sở, ban, ngành để ban hành 5 bộ tài liệu hướng dẫn xã đạt chuẩn các mức độ và các cấp độ làm căn cứ để các địa phương dễ triển khai, thực hiện. Đồng thời, trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn thực địa ở các xã đăng ký, phấn đấu đạt chuẩn NTM các mức độ năm 2022. Đơn vị cũng chủ động chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các chỉ tiêu, tiêu chí theo các bộ tiêu chí NTM các mức độ và cấp độ ngay khi Trung ương ban hành. Trên cơ sở đó, xác định các chỉ tiêu, tiêu chí khó thực hiện, chủ động kiến nghị với Trung ương trong thời gian tới điều chỉnh một số chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp với tình hình thực tiễn ở các địa phương.
Mục tiêu đến hết năm 2025, toàn tỉnh Thanh Hóa có 19 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã, 65% số thôn/bản miền núi, 60% số thôn/bản thuộc xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 4 huyện và 40% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% số xã và 10% số thôn/bản trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nếu không kịp khắc phục những “rào cản” do bộ tiêu chí mới được áp dụng, Thanh Hóa khó có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
Minh Yến