Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 190 nghìn con trâu, 260 nghìn con bò, khoảng 1,1 triệu con lợn. Bước vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển và gây bệnh cho đàn vật nuôi.

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết và dịch bệnh trên đàn gia súc, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ kế hoạch và giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

{keywords}
Chăn nuôi an toàn để bảo vệ vật nuôi. 

Thực hiện chỉ đạo, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tích cực triển khai đến người chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, bảo vệ vật nuôi trước dịch bệnh bằng các giải pháp chăn nuôi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hồng (huyện Bá Thước) nuôi 5 con bò thịt và 20 con lợn. Ngay từ khi nhập giống mới về, ông xác định “phòng bệnh hơn chữa bệnh” nên chủ động triển khai các biện pháp chăn nuôi hướng an toàn sinh học, hướng hữu cơ, bảo vệ đàn vật nuôi an toàn.

Các kiến thức phòng, bệnh cho vật nuôi tiếp thu từ cán bộ chuyên môn và qua sách báo được ông áp dụng triệt để. Bước đầu, phương pháp chăn nuôi này đã phát huy hiệu quả. Đàn vật nuôi của ông khỏe mạnh, lợn da bóng, lông mượt, tăng trưởng tốt.

Khi chuyển mùa, ông chuẩn bị quây bạt chống gió lạnh cho gia súc nhưng vấn đảm bảo thông thoáng, Hàng tuần, ông thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng và khu vực xung quanh chuồng để hạn chế nguồn lây bệnh; kiểm tra, khơi thông cống rãnh thoát nước, tránh tình trạng ứ đọng nước thải... Ngoài công tác vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, ông cho vật nuôi tiêm phòng đúng và đủ theo lịch của địa phương, cho gia súc ăn các loại thực phẩm dinh dưỡng, tạo sức đề kháng chủ động.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo, vào thời điểm chuyển mùa, người chăn nuôi cần chú trọng thực hiện các biện pháp, như: Che chắn chuồng trại tránh mưa tạt, gió lùa. Khi nhiệt độ môi trường giảm cần giữ ấm cho đàn vật nuôi. Chú trọng vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh không để nước thải ứ đọng; đối với các trang trại có quy mô lớn cần thực hiện nghiêm túc việc đào hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi.

Hàng ngày theo dõi sức khỏe đàn gia súc và phát hiện sớm các biểu hiện bất thường để cách ly, theo dõi và điều trị. Nếu thấy có biểu hiện nặng và lây lan nhanh phải thông báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Về chế độ dinh dưỡng, cần cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng, hợp vệ sinh, bổ sung thêm các loại khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa,... để tăng khả năng hấp thụ thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng.

Đối với trâu, bò cần cân đối lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh. Khi mua giống vật nuôi mới về, cần có khu nuôi cách ly theo dõi ít nhất từ 10 đến 15 ngày, khi con giống hoàn toàn khỏe mạnh mới thả vào đàn nuôi cũ. Đồng thời, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Khi có nhu cầu vận chuyển gia súc cần chú ý theo dõi thông tin về thời tiết để tránh vận chuyển vào những ngày có mưa, gió mùa, trời lạnh. Chú ý bảo đảm các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật để bảo đảm an toàn dịch bệnh.

UBND các xã, thị trấn phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên ban chỉ đạo phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn trâu, bò. Yêu cầu cán bộ phụ trách thôn, bản phối hợp với trưởng thôn, cán bộ khuyến nông đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn gia súc. Rà soát toàn bộ các hộ chăn nuôi, nắm rõ các hộ chưa có chuồng để vận động đầu tư làm chuồng bảo đảm vệ sinh và phòng chống rét cho gia súc. Vận động người dân không thả rông trâu, bò, thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, thực hiện công tác tiêm phòng đầy đủ cho đàn trâu, bò. 

Thu Hiền