Từ ngã tư Tây Tựu, tuyến đường 70 nối quốc lộ 32 với Đại lộ Thăng Long dài khoảng 3km. Đường này đi qua phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), xã Vân Canh (huyện Hoài Đức). Đây là tuyến đường ngắn và thuận tiện nối các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ… sang các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất hoặc qua cầu vượt Đại lộ Thăng Long sang các phường Tây Mỗ, Đại Mỗ hoặc đi vào đường Lê Trọng Tấn sang quận Hà Đông… Vì vậy, xe chở đất đá, vật liệu xây dựng thường "ưu tiên" lựa chọn.
Các huyện kể trên là khu vực đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh trong mấy năm gần đây. Hàng loạt dự án bất động sản đang được triển khai.
Việc xuất hiện các phương tiện chở chất thải rắn đi qua khiến cuộc sống người dân đảo lộn, phải sống chung với khói bụi.
Theo khảo sát của PV VietNamNet, những ngày đầu tháng 7, lượng xe chở đất đá, bùn thải dù có giảm nhưng vẫn khá nhiều, trung bình hàng trăm lượt xe/ngày.
Xe có che chắn bằng bạt, bên trên là hai tấm đậy bằng sắt được hàn cố định với thành xe tuy nhiên vẫn chưa đủ để đảm bảo đất đá không rơi ra đường trong quá trình vận chuyển.
Anh Nguyễn Văn Hùng (chạy xe grab) thường xuyên đón khách tại ngã tư Vân Canh cho biết, gần chục ngày nay, lượng xe chở đất đá đi qua đường 70 có giảm. Trước đó, mật độ xe qua lại tuyến đường này rất lớn, không lúc nào tuyến đường này hết bụi.
Nguyên nhân của việc các phương tiện giảm mật độ thời gian này là Bộ Công an đang triển khai kế hoạch hạ tải, cắt thùng xe cơi nới. Vì thế, các phương tiện giảm hoạt động hoặc “nằm im” để chờ qua đợt cao điểm.
Không chỉ khổ sở vì khói bụi do xe tải trọng lớn “cày đường”, người dân sở tại còn hứng bụi bởi các xe ba bánh, xe tự chế chạy vật liệu xây dựng, cát sỏi chạy khắp các đường thôn, ngõ xóm.
Dọc tuyến đường 70 có hàng chục điểm kinh doanh vật liệu xây dựng mọc lên. Các cơ sở này đều có xe ba bánh tự chế chở cát sỏi từ điểm tập kết đến chân công trình. Đây cũng là nguyên nhân khiến Hà Nội thêm ô nhiễm bụi.
Phó Chủ tịch xã Vân Canh Lê Ngọc Đông xác nhận, trên địa bàn có khoảng gần chục điểm kinh doanh vật liệu xây dựng với gần 20 xe ba bánh tự chế. Những phương tiện này theo quy định không được phép lưu thông, tuy nhiên, nó thực sự hữu ích đối và… chưa có phương tiện thay thế.
Không riêng Vân Canh, một loạt các xã, phường ven đô như Xuân Phương, Đại Mỗ, Tây Mỗ…, những xe ba bánh tự chế đang là các phương tiện chính chở vật liệu, hàng ngày góp phần khiến không khí Thủ đô thêm ô nhiễm bụi!
Không xử lý được vì đường... chưa cắm biển
Vừa qua, xã Vân Canh đã thành lập Ban chỉ đạo 197 với chức năng đi kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, phối hợp với liên ngành của huyện Hoài Đức tổng kiểm tra, rà soát các phương tiện quá khổ, quá tải lưu thông qua địa bàn.
“Ban chỉ đạo 197 thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh môi trường, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh VLXD có phương tiện tự chế phải che chắn, không để cát, sỏi vương vãi ra đường thôn ngõ xóm, tưới nước phun đường để hạn chế bụi…
Do nhu cầu xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn của người dân rất lớn, các phương tiện tự chế lại khá thiết yếu, hữu dụng nên bà con vẫn sử dụng” – ông Đông phân trần.
Về tình trạng xe quá khổ, quá tải chở đất đá đi qua địa bàn, Phó Chủ tịch xã Vân Canh cho biết, khó nhất là không có căn cứ để xử lý phương tiện vi phạm.
“Hai tuyến đường chính các phương tiện chở đất đá hay đi qua là đường 42B và đường Vân Canh – Sơn Đồng; Vân Canh – Cầu Khum. Tuy nhiên, những đường này chưa được cắm biển tải trọng nên không có cơ sở để xử lý các phương tiện quá tải, cũng không có biển cấm xe quá tải trọng được lưu thông. Đó là khó khăn lớn nhất cho địa phương”.
Trong lúc chưa có cơ sở để xử lý, Ban chỉ đạo 197 của xã Vân Canh huy động đoàn thanh niên, các hội, đoàn thể thay phiên dọn vệ sinh, tưới đường… hạn chế ô nhiễm khói bụi.
Ngày 20/6, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã mở đợt cao điểm xử lý các phương tiện quá khổ, qúa tải, cơi nới thùng xe.
Kết quả sơ bộ 10 ngày đầu ra quân (từ 20/6 - 30/6), số lượng phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ là gần 4.000 trường hợp; phạt tiền hơn 16 tỷ đồng; tạm giữ 132 phương tiện; tước GPLX 1.025; các Đội thuộc Cục CSGT đã xử lý 197 trường hợp trên các tuyến cao tốc.
Trong đó, xe chở hàng quá trọng tải: 2.414 xe (chiếm 61,2%); quá khổ giới hạn: 479 xe (12,1%); tự ý cải tạo phương tiện: 462 xe (11,7%).
Lực lượng CSGT vận động, cưỡng chế việc tháo, cắt thùng xe 226 trường hợp; thông báo tới cơ quan đăng kiểm 84 trường hợp; hạ tải 834 xe.
Theo quy định, xe chở vật liệu xây dựng trước khi rời mỏ, bãi tập kết phải được phủ kín bạt, vệ sinh bánh xe để hạn chế tình trạng đất, đá rơi vãi xuống đường. Nếu người điều khiển phương tiện ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ; xe chở chất thải, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; lôi kéo bùn, đất, cát, nguyên liệu, vật liệu hoặc chất phế thải khác ra đường bộ gây mất ATGT và vệ sinh môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2 - 4 triệu đồng. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, vật liệu, hàng hóa và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra. |