Thời gian qua, với chức năng là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã tham mưu triển khai hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số và phát triển xã hội số trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương, đất nước.

Để lan tỏa những thành tựu, kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện Chuyển đổi số, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân nhân dân vào công cuộc chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thi truyền thanh cơ sở tuyên truyền về Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2024.

Sau hai tháng phát động, cuộc thi đã nhận được sự cổ vũ, tham gia nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực truyền thanh cơ sở cấp huyện, cấp xã. Các tác giả, nhóm tác giả đã xây dựng được nhiều tác phẩm với những vấn đề mới có tính thời sự cao, phản ánh trung thực, khách quan sự việc, gương điển hình, các giải pháp góp phần thực hiện thành công Chuyển đổi số trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

anh 123.jpg
Ban Tổ chức trao giải B cho các tác giả đạt giải

Đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong việc cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong thực hiện Chuyển đổi số cho phù hợp với địa phương. Các Chương trình dự thi rất phong phú về đề tài, nội dung phản ánh; thể hiện trách nhiệm, lòng say mê, nhiệt tình trong công tác tuyên truyền về chuyển đổi số của các tuyên truyền viên cơ sở.

Ông Hoàng Thanh Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình cho biết, hội thị được phát động từ tháng 7/2024, tập hợp 19 chương trình phát thanh tham gia gồm 65 tin, bài, phóng sự của các cá nhân, tập thể thuộc cơ sở truyền thanh cấp huyện, xã trên địa bàn. Hầu hết tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm dự thi đang làm việc tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố và cán bộ phụ trách đài truyền thanh cấp xã trong tỉnh. 

Với thời lượng một chương trình khoảng 7-10 phút gồm: Nhạc hiệu, lời dẫn, bản tin, chuyên mục, lời kết, các chương trình đã tập trung khai thác sâu về những việc làm cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác chuyển đổi số.

Theo đánh giá của ban tổ chức, các chương trình đã thể hiện đúng nội dung, hình thức theo quy định, đề cập đến nhiều vấn đề của công tác Chuyển đổi số tại địa phương. Đa số chương trình đều cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác Chuyển đổi số. Một số chương trình được xây dựng công phu từ nội dung đến hình thức thể hiện, có sự kết nối hài hòa giữa lời thoại, nhạc nền, hiệu ứng âm thanh…

Tiêu biểu nhất là hai chương trình của nhóm tác giả thuộc tổ truyền thông Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông thành phố Đồng Hới và tác giả Nguyễn Thị Thương Huyền (Trung tâm Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông huyện Tuyên Hóa) được ban tổ chức trao giải B (không có giải A).

Điều gây ấn tượng tại cuộc thi lần này là nhiều chương trình phát thanh của các đài truyền thanh tuyến xã, phường có sự đầu tư khá công phu, cấu trúc chặt chẽ, mạch lạc. Một số chương trình có ứng dụng công nghệ truyền thông mới trong sản xuất thu âm, dùng phần mềm chỉnh sửa âm thanh chuyên nghiệp kết hợp với sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng kịch bản. Tiêu biểu là chương trình của đài truyền thanh các địa phương, như: Phường Bắc Nghĩa và Đồng Hải (thành phố Đồng Hới), đài truyền thanh xã Thạch Hóa (huyện Tuyên Hóa)…

Hội thi truyền thanh cơ sở tuyên truyền về Chuyển đổi số năm 2024 không chỉ là dịp để các đơn vị truyền thanh thể hiện tài năng, trao đổi kinh nghiệm mà còn là cơ hội để khích lệ, huy động sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, toàn thể nhân dân trong tỉnh cùng nhau chung tay, đồng hành trong lộ trình chuyển đổi số.