Chương trình hòa nhạc dân tộc C asean Consonant - Tình hữu nghị xuyên biên giới do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và C asean - tổ chức xã hội hướng đến mục tiêu tăng cường kết nối khu vực ASEAN tổ chức.
C asean Consonant là một dàn hòa tấu âm nhạc truyền thống của ASEAN, sử dụng âm nhạc như một phương tiện để "dệt" nên di sản văn hóa khác nhau của các quốc gia ASEAN; từ đó xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác mạnh mẽ hơn.
Khởi hành từ năm 2015 tại Thái Lan, hành trình của C asean Consonant đã đi qua các nước Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Indonesia. Điểm đến năm nay của C asean Consonant là Việt Nam. Đây là một sân chơi cho thế hệ trẻ chia sẻ, học hỏi, phát triển và gìn giữ âm nhạc truyền thống ASEAN.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bày tỏ vui mừng hợp tác với C asean đồng tổ chức buổi hòa nhạc Tình hữu nghị xuyên biên giới. Đây không chỉ là một buổi biểu diễn nghệ thuật đơn thuần mà ẩn chứa những thông điệp về tình hữu nghị, sự đoàn kết giữa các quốc gia. Buổi hòa nhạc cũng mong muốn thể hiện sự trân trọng đối với âm nhạc truyền thống; đề cao, giới thiệu và gìn giữ âm nhạc truyền thống để những thế hệ sau tiếp tục có cơ hội thưởng thức.
Tiến sĩ Agapol Na Songkhla - đại diện C asean cho biết, C asean Consonant là dàn hòa tấu nhạc cụ truyền thống ASEAN duy nhất gồm 10 nghệ sĩ nhạc cụ truyền thống tài năng đến từ 10 quốc gia ASEAN khác nhau, chia sẻ âm thanh độc đáo và văn hóa, cùng nhau tạo nên sự hòa hợp và hợp tác hòa bình. Đây là nơi cho thế hệ trẻ học hỏi, lắng nghe, tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau tạo nên sự thống nhất trong âm nhạc. C asean Consonant còn kết nối giữa những nhà tư vấn nhiều kinh nghiệm với các nghệ sĩ trẻ đầy năng lượng và sáng tạo.
Tại chương trình hòa nhạc, khán giả đã được thưởng thức 12 bản nhạc mang giai điệu truyền thống đặc sắc, đa dạng do những tài năng trẻ đại diện cho các quốc gia ASEAN thể hiện. Mở đầu chương trình là bản nhạc với dàn hợp xướng bài hát The ASEAN Way - ca khúc chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Tiếp theo, khán giả được nghe bản nhạc Brunei Hola Hela, bản nhạc Campuchia Sarika Keo, bản nhạc Indonesia Anoman Obong, bản nhạc Lào Seang Khaen Lao, bản nhạc Malaysia Wau Bulan, bản nhạc Myanmar Man Taung Yeik Kho, bản nhạc Philippines Ti Ayat Ti Maysa Nga Ubing, bản nhạc Singapore Desh, bản nhạc Thái Lan Chang, bản nhạc Việt Nam Nhịp cầu quê hương và Trống cơm.