Dù đã thắng kiện cách đây 3 năm trong vụ việc bị chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định nhưng 6 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Ngày 18/4, ông Nguyễn Ánh Dương, nguyên giáo viên hợp đồng không xác định thời hạn chờ thi tuyển tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cho biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản đôn đốc UBND huyện Krông Pắk giải quyết kiến nghị của ông cùng 5 giáo viên khác đã thắng kiện trong vụ việc bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa được bồi thường.
Theo đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND huyện Krông Pắk báo cáo kết quả việc giải quyết đơn kiến nghị của 6 giáo viên để có cơ sở trả lời công dân theo quy định.
Từ khi bị chấm dứt hợp đồng, ông Nguyễn Ánh Dương phải mưu sinh bằng nhiều nghề. Ảnh: Hải Dương
Vụ việc bắt đầu từ hồi tháng 3/2018, khi UBND huyện Krông Pắk ra thông báo buộc 550 giáo viên hợp đồng thôi việc do tuyển dụng vượt chỉ tiêu biên chế. 6 giáo viên trong số đó đã khởi kiện, yêu cầu bồi thường vì bị chấm dứt hợp đồng trái quy định. Đến năm 2022, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên UBND huyện và hai trường THCS có liên quan phải liên đới bồi thường tổng cộng hơn 1,47 tỷ đồng cho các giáo viên.
Ngày 19/3/2025, UBND tỉnh Đắk Lắk nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của ông Nguyễn Ánh Dương liên quan đến việc UBND huyện Krông Pắk và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai chưa thi hành án dù đã thua kiện. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Cục Thi hành án dân sự tỉnh xử lý theo thẩm quyền, báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Đến ngày 24/3, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk có văn bản chuyển chỉ đạo của UBND tỉnh về Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk để giải quyết.
Thầy giáo Nguyễn Tuấn Anh đang phải làm thợ sau khi bị chấm dứt hợp đồng lao động. Ảnh Hải Dương
Ngày 27/3/2025, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk nhận được phiếu chuyển đơn và khẳng định đơn vị đã có thông báo giải quyết vụ việc do đã nhiều lần nhận được đơn của ông Nguyễn Ánh Dương.
Theo Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk, đơn vị đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chỉ đạo UBND huyện, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THCS Ea Kly (huyện Krông Pắk) thi hành án nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả.
Một nguồn tin từ Huyện ủy Krông Pắk cho biết, trong tuần tới Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ họp và đưa các nội dung này ra xem xét, xử lý dứt điểm.
Ông Nguyễn Ánh Dương cho biết, việc chậm thi hành bản án đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cả 6 giáo viên.
"Mọi người đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tất cả cùng mòn mỏi trông chờ khoản tiền bồi thường trên", ông Dương nói.
Như VietNamNet đã thông tin, trước đó, sau khi bị thôi việc, 6 giáo viên đã khởi kiện thành 2 vụ án tranh chấp hợp đồng lao động.
Có 5 người nguyên là giáo viên tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cùng khởi kiện, ủy quyền cho ông Nguyễn Ánh Dương và vụ kiện riêng lẻ của cô giáo Nguyễn Thị Bình - nguyên giáo viên Trường THCS Ea Kly.
Tháng 6/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên buộc Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk phải cùng nhau bồi thường gần 1,3 tỷ đồng vì có lỗi trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với 5 giáo viên.
Còn trong tháng 4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng có bản án tuyên buộc Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho cô Nguyễn Thị Bình số tiền hơn 175 triệu đồng.
Đến tháng 10/2023, UBND huyện Krông Pắk đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk bổ sung hơn 2,1 tỷ đồng (bao gồm cả lãi suất) để chi trả cho 6 giáo viên nhưng bị bác bỏ. Vụ việc tiếp tục đi vào bế tắc.