1. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài chứ không phải tìm người nhà”.
Trong gần một thập kỷ qua, đặc biệt là độ khoảng 5 năm trở lại đây câu chuyện “đồng chí này con đồng chí nào”, hay kiểu châm biếm nhiễu nhại, “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn đồ đệ, năm trí tuệ” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Trên thực tế, không thể điểm xuyết hết “đồng chí này con đồng chí nào” từ cán bộ cấp cơ sở phường xã, rồi huyện quận, cho đến thành phố. Thậm chí ngay tại Trung ương, cũng không phải là không tồn tại “hậu duệ của lãnh đạo”.
Ảnh minh họa |
Anh bạn tôi kể, anh công tác tại một đơn vị truyền thông lớn. Không biết rủi hay may, họ và chữ lót của anh lại trùng với lãnh đạo cao cấp của Chính phủ. Từ đó, anh nghiễm nhiên được đón nhận những thông tin xì xầm sau lưng kiểu như, “Thằng đó không phải là cháu của ông kia thì tiêu rồi?”, hoặc “Loại như nó thì tài năng gì, may có ông đấy đỡ đầu gửi gắm”. Nhắc điều này để minh chứng cho tư duy “ông này con ông nào” đã ăn sâu vào đời sống như thế nào.
Mỗi lần đọc báo thấy bổ nhiệm một Giám đốc Sở trẻ tuổi, một Phó Giám đốc Sở trẻ tuổi một Chủ tịch tỉnh trẻ tuổi, theo phản xạ tô lại lục tìm nhân thân của vị cán bộ đầy tài năng lẫn sức trẻ ấy để kiểm tra, thì y rằng mười lần như một, đồng chí cán bộ vừa được đề bạt không là con ruột của vị này thì cũng là con đẻ của một cựu kia.
“Hôm nay, cơ quan có tang” là câu truyện trào phúng được chia sẻ nhiều nhất mạng xã hội sau khi xuất hiện các thông tin cả họ làm quan xã, con của lãnh đạo cấp tỉnh được đề bạt.
Đại khái, nội dung của “Hôm nay, cơ quan có tang” kể chuyện người dân đến cơ quan xin gặp lãnh đạo. Bảo vệ bảo, lãnh đạo nghỉ vì nhà có tang. Xin gặp cấp phó, cấp phó cũng nghỉ vì nhà có tang. Xin gặp cấp trưởng phòng, trưởng phòng cũng nghỉ vì nhà có tang… Đến ông bảo vệ trả lời xong cũng vội đóng cửa cơ quan vì “tranh thủ về thắp hương ông bá cho vừa mất”. Hóa ra, bố của lãnh đạo cũng là bố của cấp phó, đồng thời là chú của trưởng phòng, và là bác của bảo vệ.
Điều này dễ bị suy diễn là bóng dáng tập ấm truyền đời của chế độ phong kiến đang hiện hữu đâu đó quanh ta.
2. Có hai câu chuyện hết sức được quan tâm trong thời gian gần đây vừa được đăng tải trên khắp mặt báo là chuyện ông Phó Bí thư Thường trực tỉnh Bình Định có hàng loạt người thân từ vợ cho đến chị ruột, em ruột, em vợ cùng ngồi vào đội ngũ lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Kế đến là chuyện Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tha thiết xin nhân tài trẻ tuổi kinh doanh Vũ Quang Hải về làm lãnh đạo. Đáng chú ý là bạn này có bố khi đó là đương kim Bộ trưởng Bộ Công thương.
Nhân dân biết điều gì đang xảy ra trong công tác đề bạt cán bộ lãnh đạo, dư luận cũng không phải là không phản ứng công tác này. Thế nhưng, với vẻn vẹn có ba chữ “đúng quy trình”, mọi hồ nghi đều bị đánh bật.
“Đúng quy trình” xét về mặt nào đó thì như một công thức toán học. Nghĩa là, một cộng một bằng hai. Một con người cộng một con người bằng hai con người. Cái khác giữa dãy số và người là khả năng tư duy và ngôn ngữ. Dẫu vậy cũng không sao, quy trình chỉ tính tổng của phép toán cộng, không tính đến các yếu tố khác.
3.Thật hồ đồ nếu vội vàng quy kết hậu duệ của lãnh đạo tiếp tục làm lãnh đạo sẽ gây nên những hệ lụy tiêu cực trong công tác điều hành. Thế nhưng, sự mất niềm tin của nhân dân về sự minh bạch trong công tác tuyển chọn đề bạt cán bộ lãnh đạo là điều không có thủ thuật chữ nghĩa hay quy trình nào có thể che lấp được.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hẳn nhiên đã nhận ra điều này và thể hiện quyết tâm chấn chỉnh bằng phát ngôn đầy mạnh mẽ mà tôi đã trích dẫn.
Phát ngôn biểu thị lòng quyết tâm đưa lại hy vọng cho nhân dân, còn hành động mới biểu thị cho sự tin tưởng.
Ngô Nguyệt Hữu