Tá hỏa với hóa đơn tiền nước hơn 33 triệu đồng

Bà Nguyễn Kim Huê (72 tuổi, ngụ xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) cho VietNamNet biết, gia đình bà dùng chung đồng hồ nước với hộ người cháu cạnh nhà, mỗi tháng gia đình bà chỉ sử dụng khoảng 20-30 khối nước, tương đương với số tiền khoảng 200 ngàn đồng/tháng.

Nhưng vào giữa tháng 5/2019, bà nhận được giấy báo thu tiền nước tháng 5/2019 với số tiền hơn 33,4 triệu đồng, tương đương hơn 4.000 khối nước.

{keywords}
Bà Nguyễn Kim Huê bức xúc với hóa đơn nước hơn 33 triệu đồng.

Điều đáng nói, bà Huê sống một mình, thường đi công việc từ sáng tới tối mới về nên sử dụng nước rất ít, trong khi hộ người cháu chủ yếu sống ở nước ngoài, thỉnh thoảng mới về Việt Nam, do đó hóa đơn thu tiền nước lên đến hàng chục triệu đồng là vô lý.

Bà Huê đã phản ánh đến Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh thì được giải thích là, do đường ống bị bể và người cháu của bà đã đồng ý đóng số tiền trên.

Tuy nhiên, bà Huê cho rằng lý do trên là không thuyết phục vì bà ở trong nhà không thấy đường ống nào bị bể. Cháu bà đồng ý đóng tiền là do người này chủ yếu sống ở nước ngoài, không muốn phiền hà nên đóng tiền cho qua, nhưng lại không trao đổi với bà.

Hóa đơn tiền nước 23 triệu đồng

Hàng tháng, sản lượng nước sử dụng của cửa hàng gia đình chị Vũ Thị Thu (số nhà 106B - C1 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) dao động từ 22-72m3. Thế nhưng, tháng 2 vừa qua, chị Thu nhận được hóa đơn khối lượng nước tiêu thụ tháng 1/2019 lên đến 940m3, tương đương 23,6 triệu đồng, cao gấp 15 lần tháng cao điểm. Chị Thu cho biết, đường ống nước nhà chị không vỡ.

{keywords}
Hóa đơn tiền nước của gia đình chị Thu.

Liên quan đến vụ việc này, chiều 27/2, ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy - cho biết, kết quả kiểm định chiếc đồng hồ nước của nhà chị Thu cho thấy, đồng hồ này chạy chậm hơn so với bình thường.

"Đồng hồ nước sai chậm thì khách hàng phải thanh toán số tiền nước đó, và đơn vị cung cấp không được tính thêm số tiền nước đã chạy chậm", ông Cương trả lời trên VTC News.

Sau buổi làm việc ngày 26/2, gia đình chị Thu đồng ý với giải thích của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy. Chị đồng ý nộp 23,6 triệu đồng và cho hay sẽ theo dõi đồng hồ nước mới lắp đặt của công ty.

Hóa đơn tiền nước 19 triệu/tháng ở Hà Nội

Theo báo Dân Việt, những tháng trước, hóa đơn tiền nước mà gia đình ông Trần Công Ứng (62 tuổi, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) phải chi trả dao động từ 200.000-300.000 đồng cho 6 người (4 người lớn, 2 trẻ nhỏ) sử dụng.

Song cuối tháng 4/2016, gia đình ông Ứng thực sự rất sốc khi được nhân viên thu tiền nước thông báo sử dụng hết 1.029 m3 nước với số tiền lên đến 19.125.036 đồng.

{keywords}
Gia đình ông Ứng choáng váng khi nhận hóa đơn tiền nước lên
tới hơn 19 triệu/tháng

Theo ông Ứng, tháng 4/2016, gia đình ông vẫn sinh hoạt như các tháng trước nhưng hóa đơn tiền nước tăng gấp 100 lần. Từ trước chỉ có 2 lần tiền nước của gia đình ông tăng cao hơn bình thường nhưng cũng chỉ lên khoảng 800.000-1 triệu đồng. Cả hai lần đó đều do phao nước tự động trong bể hỏng nên nước bị tràn. Lần này, ông Ứng đã kiểm tra nhưng đường ống và tất cả đều hoạt động ổn định. 

Lý giải trên báo Dân Việt, Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc cho biết, trường hợp số nước nhà ông Ứng tăng đột biến trong tháng 4/2016 là do hỏng đường ống, hỏng phao dẫn tới nước chảy ra ngoài.

Hà Nội: Tiền nước sinh hoạt đột nhiên tăng... hàng trăm lần

Năm 2017, nhiều hộ dân ở Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội bất ngờ nhận được thông báo phải trả tiền nước gấp 5 lần, thậm chí hàng chục, hàng trăm lần so với mức tiêu thụ trung bình.

Giá nước sinh hoạt của gần 200 hộ dân tăng đột biến bắt đầu từ tháng 4/2017. Trong đó, cao nhất có hộ lên đến hơn 50 triệu đồng/tháng, trong khi mức tiêu thụ trung bình chỉ 400.000-600.000 đồng/tháng.

{keywords}
Tiền nước sinh hoạt tăng đột biến khiến nhiều hộ dân bức xúc

Nhiều người dân bất bình cho rằng, với mạng lưới cung cấp nước trong nhà bình thường, hiện tượng hàng trăm hộ gia đình cùng trong một tháng sử dụng nước với khối lượng gấp rất nhiều lần là điều phi lý.

Theo VTV, vấn đề tăng giá nước đột biến ở thị trấn Văn Điển chỉ nảy sinh sau khi có sự chuyển giao quản lý, kinh doanh nước sạch từ Công ty CP Môi trường đô thị Thanh Trì sang Công ty cổ phần Viwaco.

Lý giải về tăng giá nước đột biến, đại diện Công ty CP Viwaco là đơn vị nhận bàn giao cho rằng, có thể có 3 nguyên nhân: Thứ nhất, khách hàng bị thất thoát nước vì vỡ ống sau đồng hồ. Thứ hai, do dồn chỉ số - trước đây đơn vị cũ không thu tiền theo số đo đồng hồ, nay kiểm tra bị dồn lại. Thứ ba là vì đồng hồ của khách hàng có lỗi về kỹ thuật.

Ngược lại với cách giải thích này, đại diện UBND huyện Thanh Trì cho rằng, qua làm việc với công ty, chỉ có một nguyên nhân duy nhất là vì dồn chỉ số.

Tiền nước tháng 12 gần 7 triệu, tháng 1 còn 260.000 đồng

Phản ánh với Zing, anh Hoàng Nam Khánh (32 tuổi, quận Hà Đông) cho biết, nhân viên Công ty nước sạch Hà Đông thông báo lượng nước gia đình dùng từ 390 m3 (tháng 12/2015) giảm còn 32m3 trong tháng 1/2016, tương đương 260.000 đồng.

"Mức tiêu thụ chênh lệch 12 lần còn số tiền phải trả giảm hơn 20 lần", anh Khánh nhẩm tính và cho hay, sinh hoạt gia đình anh vẫn diễn ra bình thường, không có gì đột biến.

{keywords}
Anh Hoàng Nam Khánh bất bình khi nhận được hóa đơn nước tháng 12/2015 tăng đột biến.

Trong khi đó, ông Lại Văn Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Hà Đông, tiếp tục khẳng định, nhân viên công ty không làm sai quy định.

Theo ông Thịnh, gia đình anh Khánh đã ký xác nhận với công ty nguyên nhân thất thoát nước là hỏng van phao bể ngầm và công ty không chịu trách nhiệm lỗi này.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)