Cơ chế mới, chủ động hỗ trợ DN

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 01 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Thông tư được ban hành nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2020.

Thông tư này (có hiệu lực từ 13/3) là một văn bản quan trọng và nó đưa ra một cớ chế mở hiếm có: cho phép các NHTM được chủ động tính toán, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Đây là một điểm mới, khác với cơ chế cấp bù lãi suất đã thực hiện trong năm 2019.

NHNN chỉ quy định những điều kiện chung như phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là phải phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ thướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19. Và khách hàng phải thuộc diện không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi do sụt giảm doanh thu, thu nhập bởi dịch Covid-19.

{keywords}
NHNN bật tín hiệu sẽ giảm lãi suất điều hành trong thời gian ngắn sắp tới.

Cụ thể đối tượng nào được xét cơ cấu là do NHTM tự quyết định dựa trên những đánh giá về các khách hàng của mình.

Việc miễn, giảm lãi, phí cũng được thực hiện theo cơ chế và khoảng thời gian tương tự.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng giao NHNN chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 ngàn tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, cho đến nay, các ngân hàng đã đăng ký gói tín dụng tổng cộng khoảng 285 ngàn tỷ đồng, vượt so với con số tối thiểu 250 ngàn tỷ mà Chính phủ giao.

Con số này, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú có thể sẽ còn lớn hơn vì nhiều NHTM cũng đang tính toán đễ hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng NHNN, tổng số dư nợ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên tới hơn 900 ngàn tỷ, tương đương với khoảng 11% tổng dư nợ hiện có của hệ thống ngân hàng.

Cũng theo ông Hùng, hiện các NHTM đã hạ lãi suất được cho khoảng 4 ngàn khách hàng và đang xem xét hạ lãi suất cho hàng chục ngàn khách hàng khác. Khoản nợ đang được các NHTM xem xét lên tới 185 ngàn tỷ đồng. Các NHTM cũng tính cho vay mới thêm khoảng 24 ngàn tỷ đồng cho các DN có khả năng phục hồi, có nguyên liệu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm.

Chuẩn bị hạ lãi suất điều hành

Theo ông Đào Minh Tú, cho tới thời điểm này NHNN chưa tính tới việc hạ mục tiêu tăng trưởng tín dụng (vẫn ở mức 14%) cho dù tăng trưởng trong hơn 2 tháng đầu năm ở mức khá thấp do dịch bệnh, khoảng 0,1%, so với mức 0,85% so với cùng kỳ năm trước.

NHNN theo sát định hướng của Chính phủ nỗ lực giữ mục tiêu tăng trưởng cho dù hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đang gặp khó do dịch Covid-19.

Mức độ hỗ trợ các doanh nghiệp của các NHTM cũng sẽ thay đổi, có thể tăng lên thêm nhiều nữa nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện tại, NHNN và các NHTM đang theo sát đánh giá dịch Covid-19 và những thiệt hại đối với các khách hàng.

{keywords}
Việt Nam giữ các mục tiêu tăng trưởng.

Bên cạnh cơ chế mở cho các NHTM tự quyết định hỗ trợ cho các khách hàng của mình, NHNN cũng có những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, phối hợp với các biện pháp của bộ ban ngành khác và của Chính phủ để hỗ trợ kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và ban lãnh đạo NHNN đang tính toán và sẽ hạ lãi suất điều hành trong một “thời ngắn sắp tới”. Mức hạ lãi suất cũng sẽ rất “tích cực” để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đây cũng là một giải pháp tất yếu trong bối cảnh NHTW hàng loạt các nước trên thế giới gần đây giảm mạnh lãi suất cơ bản. Fed của Mỹ, BoE của Anh, BoC của Canada… đều giảm lãi suất 50 điểm phần trăm trong 1-2 tuần vừa qua.

Một số giải pháp khác cũng được NHNN đưa ra nhằm hạ chi phí cho các NHTM để qua đó các NHTM giảm chi phí, lãi suất cho các khách hàng như: giảm chi phí tại Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, chi phí chuyển mạch Napas…

Trước đó, nhằm phòng ngừa dịch Covid-19, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo khử khuẩn tiền nộp về NHNN.

Hiện tại, một loạt các NHTM đã giảm lãi suất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19 và cũng cần được hỗ trợ về chính sách tài khóa liên quan tới giảm, miễn thuế…

Gần đây, chính phủ và các địa phương, bộ ban ngành có một loạt các động thái để tìm giải pháp vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa làm việc cùng các tập đoàn kinh tế tư nhân để tìm biện pháp chống dịch và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm trụ cột cho nền kinh tế.

Thường trực Thành ủy Hà Nội sáng 12/3 cũng đã làm việc với Ban Cán sự đảng UBND thành phố để đánh giá tác động của dịch Covid-19 tới phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo đó, hiện Hà Nội đang thực hiện 2 nhiệm vụ kép; trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch bệnh, đồng thời phải có giải pháp ngăn chặn sự suy giảm, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, qua đó thực hiện các mục tiêu trong cả nhiệm kỳ.

M. Hà