Tại báo cáo quý I/2016 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Văn phòng Chính phủ đã cho biết về tiến độ triển khai một số nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, trong đó có Bộ TT&TT.

Cụ thể, theo Văn phòng Chính phủ, với nhiệm vụ đề xuất chính sách thu hút và sử dụng chuyên gia giỏi về CNTT phục vụ cơ quan nhà nước, Bộ TT&TT đang xin ý kiến các bộ, ngành,  địa phương về kinh nghiệm, giải pháp thu hút chuyên gia CNTT giỏi vào làm việc trong cơ quan nhà nước để có cơ sở xây dựng chính sách chung áp dụng trong cả nước.

Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là xây dựng và hướng dẫn thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử), Bộ TT&TT triển khai theo 4 bước gồm: Xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; Số hóa các tài liệu hệ thống, quy trình hệ thống và quy trình công việc đã ban hành trong Hệ thống quản lý chất lượng và đăng tải các tài liệu, quy trình này lên trang thông tin điện tử hoặc hệ thống Văn phòng điện tử của cơ quan/đơn vị; Triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các thủ tục hành chính đã được quy trình hóa trong hệ thống quản lý chất lượng; và ứng dụng CNTT đối với các quy trình khác trong hệ thống quản lý chất lượng nếu thấy cần thiết.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng có báo cáo kết quả một năm triển khai thí điểm thuê dịch vụ CNTT theo Quyết định số 80 ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Còn với nhiệm vụ nghiên cứu việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15 ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với lĩnh vực CNTT, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho hay, Bộ TT&TT đã đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 nhiệm vụ xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối công tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ để ban hành vào tháng 9/2016.

Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về đầu tư theo hình thức đối công tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT đã cơ bản được hoàn thành, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ tại địa chỉ mic.gov.vn để lấy ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp. Thời hạn lấy ý kiến kéo dài đến 18/6/2016.

Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành vào ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tại Nghị quyết 36a, Chính phủ đã giao Bộ TT&TT thực hiện các nhiệm vụ như: cấp thẻ nhà báo, giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo qua mạng điện tử; thực hiện giám sát an toàn thông tin đối với hệ thống, dịch vụ CNTT của Chính phủ điện tử; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CNTT; đề xuất chính sách thu hút và sử dụng chuyên gia giỏi về CNTT phục vụ cơ quan nhà nước; chủ trì, phối  hợp với Bộ KH&CN, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng và hướng dẫn thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử)…