Thông tin nêu trên vừa được ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện khai mạc cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2017 diễn ra sáng 16/12/2017.
Là một trong những “huyền thoại” của an ninh, an toàn thông tin thế giới, chuyên gia Mikko Hypponen cũng là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm antivirus từ những năm 1980. Tạp chí Foreign Policy danh tiếng từng xếp hạng ông tại vị trí thứ 61 trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất thế giới” (The FP 100 Top Global thinkers). Năm 2007, tạp chí PC World của Mỹ cũng xếp Mikko Hypponen vào danh sách “50 người có ảnh hưởng nhất tới Internet” (50 Most Important People on the Web).
Chuyên gia Mikko Hypponen đã từng diễn thuyết tại các Hội thảo an toàn thông tin quy mô lớn trên thế giới như Black Hat, DEFCON, DLD … và đặc biệt là diễn giả thường xuyên của các diễn đàn An ninh mạng Quân sự như NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), CCD, ICCC. Mikko Hypponen sinh năm 1969, là Giám đốc nghiên cứu của Tập đoàn F-Secure và làm việc tại tập đoàn này từ năm 1991. Ông được đánh giá là “linh hồn” của hãng bảo mật đến từ Phần Lan này.
Tại Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu - AVAR 2015 diễn ra từ ngày 2 - 4/12 tại TP.Đà Nẵng, hội nghị quy mô quốc tế về an toàn thông tin đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề “Chiến tranh mạng - The Age of Cyber Warfare”, chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen đã tham dự với vai trò diễn giả chính. Ông đã có bài tham luận về vấn đề “Bảo vệ tương lai chúng ta”.
Trong chia sẻ tại hội nghị AVAR 2015, đánh giá về an toàn thông tin tại Việt Nam, chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen cho rằngcó thể các điều kiện cơ sở hạ tầng của Việt Nam về an toàn thông tin còn hạn chế vì Việt Nam là nước đang phát triển, tuy nhiên vị chuyên gia này nhận định: "Việt Nam thực sự giàu có về con người, về kỹ năng. Những chuyên gia bảo mật của Việt Nam mà tôi đã gặp thực sự ở đẳng cấp thế giới. Việt Nam rất phát triển trong lĩnh vực bảo mật và có thể đóng vai trò người chơi mang tính toàn cầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, có thể phải chờ đợi đôi ba năm nữa thì điều này mới chắc chắn xảy ra".
Minh chứng cho lập luận của mình, ông Mikko Hypponen phân tích: "Tôi đến từ Phần Lan, đất nước chúng tôi có 5 triệu dân nhưng có diện tích bằng Việt Nam, còn Việt Nam có tới 93 triệu dân. Chúng tôi chỉ có 5 triệu dân nhưng có nhiều hãng bảo mật bán sản phẩm khắp toàn cầu. Tôi thấy trình độ nhân lực bảo mật của Việt Nam có kỹ năng trình độ chuyên môn tốt". Theo ông, để phát huy thế mạnh của mình thì "chìa khóa" cho Việt Nam là phải đẩy mạnh giáo dục đào tạo từ bậc trung học đến đại học để tạo ra nguồn nhân lực tốt cho an ninh mạng.
Trong tham luận tại hội nghị AVAR 2015, điểm mặt về các xu hướng bảo mật, chuyên gia Mikko Hypponen đã chia làm 5 nhóm khác nhau. Trong đó có nhóm tấn công vào tài khoản ngân hàng, dữ liệu cá nhân để kiếm tiền, hàng nghìn hàng triệu USD; nhóm tấn công là các tên khủng bố công nghệ cao. Ông cũng đã nhấn mạnh đến nhóm tấn công có hậu thuẫn của Chính phủ. Nhóm này phát triển các phần mềm mã độc khác nhau và vận hành rất thông minh. “Tôi cũng ngạc nhiên nhóm tấn công có hậu thuẫn của Chính phủ bắt đầu quan tâm tới các hệ thống mã độc. Các hệ thống này được viết bởi nhiều nước, nhiều Chính phủ khác nhau", ông Mikko Hypponen nói.
Chuyên gia Mikko Hypponen đã đưa ra dẫn chứng về những văn bản của các bộ, ngành Việt Nam được gửi dạng bản PDF nhưng có kèm mã độc: “Ví như một file PDF của các Bộ ngành Việt Nam đã bị lợi dụng cài mã độc từ 1 vài tháng trước. Tôi không biết ai đã gửi văn bản này đi. Nhưng chúng tôi biết chính xác đây là một file có mã độc. Nếu bạn vô tình mở file này ra thì mã độc đó sẽ xâm nhập vào máy tính của bạn. Và nó sẽ có cơ hội để chiếm quyền điều khiển máy tính của bạn. Đây là một số ví dụ về các văn bản của Việt Nam trở thành một công cụ để tấn công”.
Ngoài ra, chuyên gia Mikko Hypponen còn đề cập đến vấn đề bảo mật, nguy cơ mất an toàn thông tin trước xu hướng Internet of Things. Theo ông, khi các thiết bị thông minh được kết nối Internet, thì các thiết bị đun nước hay nhà tắm… cũng bị tấn công. Trong khi đó, những thiết bị thông minh này không thể chạy các phần mềm diệt virus thông thường mà phải chọn hệ thống bảo mật khác.