UBND tỉnh Bình Dương mới đây đã ban hành kế hoạch triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính.
Mục đích của kế hoạch mới được UBND tỉnh Bình Dương ban hành là tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định 45 ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia (gọi tắt là dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính) tại 100% cấp huyện, xã theo yêu cầu tại Nghị quyết 01 ngày 1/1/2021 của Chính phủ; từ đó thúc đẩy số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4.
Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia tại 100% cấp huyện, xã được Bình Dương triển khai thử nghiệm từ tháng 12/2021 (Ảnh minh họa) |
Kế hoạch cũng nhằm thực hiện tốt chức năng phục vụ của cơ quan nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp; giúp các đơn vị, địa phương và lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Theo lộ trình, việc triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính sẽ được tỉnh Bình Dương thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, dịch vụ sẽ được triển khai tại 100% cấp huyện, cấp xã; và ở giai đoạn 2, sẽ triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại các tổ chức hành nghề công chứng được thực hiện sau khi có hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.
Để chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, trong tháng 11, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện các nội dung công việc như: Tổ chức rà soát, bảo đảm điều kiện trang thiết bị (hạ tầng mạng, máy quét văn bản) và đăng ký tài khoản cho cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý dịch vụ; Rà soát chứng thư số của cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý dịch vụ; Tổ chức phân quyền cho công chức phụ trách CNTT thuộc UBND cấp huyện để thực hiện quyền quản trị, phân quyền cho cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý dịch vụ.
Đồng thời, tổ chức phân quyền cho cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý dịch vụ; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Sở Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình nghiệp vụ liên quan đến dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo đúng quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch này để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện tại các đơn vị, địa phương.
Sở Tư pháp Bình Dương cũng được giao chủ trì, phối hợp Văn phòng UBND tỉnh và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử từ bản chính khi tiếp nhận, xử lý tại 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã trước ngày 1/1/2022.
Vân Anh
Tiếp nhận gần 58.000 hồ sơ trực tuyến hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn vì Covid-19
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 20/10, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận 57.867 hồ sơ đề nghị hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.