Lời Toà soạn:

Nhiều bất cập trong việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe đã khiến người dân bức xúc và dư luận không đồng tình. Đặc biệt ở nội dung mô phỏng trong phần thi lý thuyết hay học lái xe trên cabin điện tử.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, thanh tra bộ này đã tập trung thanh, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên cả nước. Kết quả, Thanh tra Bộ đã chuyển thông tin 6 trung tâm đào tạo lái xe cho cơ quan công an để xem xét và xử lý theo thẩm quyền.

Cũng theo thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, năm 2022, cả nước có khoảng 1,5 triệu người học lái xe nhưng chỉ có khoảng 50% vượt qua kỳ thi sát hạch. 

Xuất phát từ thực tiễn này, Báo VietNamNet tổ chức Chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: “Tháo gỡ, bất cập trong đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe” nhằm cùng các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp cho việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe thực chất, hiệu quả và thuận lợi hơn trong thời gian tới.

Ở phần 3 của Bàn tròn trực tuyến, các khách mời đề cập tới phần mềm giám sát DAT và những trục trặc của hệ thống quản lý dữ liệu, từ đó một loạt giải pháp tháo gỡ được đại diện Cục Đường bộ cho biết sẽ được sửa đổi trong tháng 11 tới đây. 

Tham dự Chương trình Bàn tròn: “Tháo gỡ bất cập trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe” với 3 vị khách mời.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam.

Anh Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ quản lý đo lường Hà Nội- một học viên vừa trải qua 3 lần thi sát hạch lái xe.

Nhà báo Phạm Huyền: Bên cạnh những bất cập trong việc học cabin điện tử hay học mô phỏng phần mềm lý thuyết còn một bất cập nữa mà rất nhiều học viên đã phản ánh đó là câu chuyện về thiết bị DAT- giám sát quãng đường và thời gian lái xe trên đường trường. Xin hỏi ông Việt cũng như các học viên học cùng khóa với ông họ có gặp những khó khăn như vậy không?

Ông Nguyễn Tuấn Việt: Lỗi thiết bị giám sát thì có rất nhiều tình huống. Không biết là do thiết bị mà các trung tâm nhập về hay là do thế nào đó?. Ví dụ nhiều người đi quãng đường xong về không được công nhận kết quả lại phải chạy lại một lần nữa, rất khổ cho học viên.

Nhà báo Phạm Huyền: Vấn đề này chúng tôi cũng đã phản ánh trong các bài viết vừa rồi, xin hỏi ông Thống, vừa rồi hàng nghìn học viên bị chậm thi sát hạch là do phần mềm giám sát điện tử cũng như là phần mềm của Cục bị tê liệt. Theo ông, trách nhiệm là thuộc về đơn vị nào?

Ông Lương Duyên Thống: Đối với việc mất dữ liệu của người học có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là do thiết bị. Thiết bị của nhà cung cấp phải sản xuất theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Khi mất kết nối, thiết bị lưu trữ được dữ liệu, người học về thời gian, về số km.

Sau khi có kết nối trở lại thì dữ liệu lại được truyền để mà lưu trữ trên hệ thống thông tin. Nếu thiết bị không đảm bảo được thì trách nhiệm đầu tiên là phải do đơn vị sản xuất, các nhà cung cấp thiết bị.

Lý do thứ 2 có thể do việc vận hành, sử dụng của giáo viên cũng như là học viên. Khi mỗi một phiên học phải đăng nhập vào thiết bị, hết phiên học phải đăng xuất. Thế nhưng có thể học viên này học xong chưa đăng xuất, người khác lại đăng nhập vào.

Đối với phần mềm quản lí dữ liệu của Cục Đường bộ Việt Nam, dữ liệu của người học được lưu trữ ở 2 nơi. Dữ liệu đầy đủ nhất được lưu trữ ở cơ sở đào tạo.

Còn phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam chỉ lưu trữ một phần dữ liệu để làm sao khi truyền về cơ sở đào tạo thì chuyển ngay lên để tránh gian lận, sửa chữa dữ liệu tại cơ sở.

Mục đích phần mềm quản lý dữ liệu của Cục là để cho các sở khai thác tổng hợp dữ liệu về số giờ, số km của từng người học để xem học viên có đủ thời gian số km đủ điều kiện sát hạch hay không?

Vừa rồi, do số lượng xe tập lái, các phiên học quá lớn nên phần mềm cũng bị sự cố. Cục Đường bộ Việt Nam đã rất cố gắng phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ. Phần mềm đã cung cấp dữ liệu từ 1/7/2023. Thời gian gián đoạn là rất ngắn.

Nhà báo Phạm Huyền: Mọi sự gián đoạn đều gây ra những thiệt hại lớn, đặc biệt lên tới hàng nghìn người. Những đơn vị cung cấp các thiết bị và cung cấp phần mềm này sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao? Cục Đường bộ là đơn vị chủ trì, ông có thể nói kỹ hơn về câu chuyện này?.

Ông Lương Duyên Thống: Đối với thiết bị không đảm bảo chất lượng thì trách nhiệm đầu tiên là của nhà sản xuất. Còn đối với phần mềm của Cục Đường bộ Việt Nam, như tôi đã trình bày dữ liệu của người học không bị mất toàn bộ. Dữ liệu được lưu trữ ở cơ sở đào tạo.

Ở trên Cục chỉ làm một phần dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý. Nếu mà phần mềm của Cục chưa tổng hợp được thì các Sở GTVT vẫn có thể lấy các dữ liệu ở dưới cơ sở đào tạo để phục vụ cho công tác quản lý.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin ông nói cụ thể hơn trong thời gian tới Cục Đường bộ dự kiến sẽ sửa đổi văn bản, thông tư nào. Và trong thời gian bao lâu?

Ông Lương Duyên Thống: Thời gian sửa các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định là trước tháng 11/2023.

Tùy điều kiện cụ thể, sau khi biên soạn, sửa đổi và xin ý kiến các tổ chức, cá nhân rồi tổng hợp lại, nhận được sự đồng thuận cao thì sẽ ban hành sớm. Muộn nhất trong tháng 11 sẽ ban hành.