Theo thống kê của nghành chức năng huyện Than Uyên (Lai Châu), toàn huyện hiện có 14.349 con trâu, 5.887 con bò, 222 con ngựa, 5.038 con dê; trong đó có 50 hộ chăn nuôi quy mô gia trại với 1.238 con trâu, bò, ngựa.

Những năm qua, huyện Than Uyên đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống, thả rông sang chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, góp phần vào sự phát triển chăn nuôi bền vững.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Ở bản Nậm Sáng (Phúc Than), gia đình ông Phàn Ông Sâu và Triệu Cầu Hin là hai hộ điển hình trong chăn nuôi đại gia súc.

Trước đây, anh chủ yếu nuôi trâu, bò theo hình thức thả rông, không có chuồng trại. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến 2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu và huyện Tân Uyên liên tiếp xuất hiện dịch lở mồm long móng, ảnh hưởng đến chăn nuôi, kinh tế của không ít hộ dân.

Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh có rất nhiều, trong đó có việc chăn nuôi thả rông. Quá trình chăn thả trên đồi, nương, trâu, bò dễ bị nhiễm bệnh từ con khác.

Việc chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học có cái lợi là gia súc được đưa ra khỏi khu dân cư, có chỗ nuôi nhốt tập trung không phải thả rông, thuận tiện cho chăm sóc. 

Nhận thức rõ điều đó, cộng với việc địa phương phổ biến kiến thức chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, năm 2020 ông Phàn Ông Sâu đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại kiến cố trên phần đất nương của gia đình.

Khu chuồng trại xây bằng gạch bi, lợp mái, chiều dài 15m, rộng 6m, cao 3m. Tại đây tập trung nuôi 7 con trâu và 2 con bò.

Theo ông Phàn Ông Sâu, ông được tỉnh, huyện hỗ trợ 162 triệu đồng tiền làm chuồng trại. Gia đình bỏ thêm công và tiền xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung trên 200 triệu đồng.

Bên cạnh thức ăn ủ chua, ông trồng 2000m2 cỏ voi, bổ sung thức ăn tinh, nghệ… để gia súc nhanh lớn, có sức đề kháng tốt. Mỗi năm 2 lần, ông thực hiện tiêm phòng lở mồm long móng và các loại bệnh khác cho gia súc đầy đủ bệnh đầy đủ”.

Gia đình Chị Thào Thị Mua, cũng ở xã Phúc Than là một trong những hộ gia đình chăn nuôi nhiều trâu bò của xã. Trong chuồng của gia đình chị lúc nào cũng có trên 15-20 con trâu, bò.

Trong chăn nuôi, chị thường xuyên chăm sóc và tiêm phòng đầy đủ. Thực hiện nuôi nhốt tập trung, định kỳ khử trùng chuồng trại, vệ sinh máng ăn uống, phun thuốc khử khuẩn. Do đó đàn trâu, bò của gia đình chị phát triển tốt, ít ốm. Với công nghệ an toàn sinh học, việc chăn nuôi gia súc được đảm bảo, lại giữu được vệ sinh môi trường.

Để người dân yên tâm phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn sinh học, xã Phúc Than hỗ trợ 4 chuồng trại từ kinh phí hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi tập trung.

Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương khuyến khích bà con xây dựng chuồng trại nuôi gia súc tập trung với 1.122 hộ chăn nuôi (955 hộ có chuồng trại), trên 2.700 con trâu, 1.176 con bò; 40ha trồng cỏ.

Thực hiện Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND, ngày 28/7/2016 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2021 và các nghị quyết sửa đổi, bổ sung (Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND, 40/2019/NQ-HĐND), huyện Than Uyên triển khai hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi đại gia súc với tổng kinh phí 2 tỷ 349 triệu đồng.

Việc hỗ trợ đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong chăn nuôi, giúp hộ dân có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, phát triển đàn gia súc.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: “Các đối tượng được hỗ trợ, đăng ký và cam kết với xã, sau đó được xã tổng hợp, lập dự án trình UBND cấp huyện thẩm định và phê duyệt; đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn kỹ thuật theo chính sách đề ra.

Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng kế hoạch, tiến độ, thời gian. Huyện chỉ đạo các đơn vị chuyên muôn hướng dẫn người dân trồng cỏ, dự trữ thức ăn và quản lý dịch bệnh. Thực hiện tốt các biện pháp tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh theo định kỳ cho 100% gia súc”.

Hữu Duyên