Nguoi Trung Quoc quay lung voi than tuong cong nghe anh 1

Năm 2014, một nhóm sinh viên đại học ở Bắc Kinh lập ra Ofo - công ty khởi nghiệp về chia sẻ xe đạp. Khách hàng có thể quét mã QR để thuê xe, nhận và trả ở bất cứ đâu trong thành phố.

Sự tiện lợi, dễ sử dụng của mô hình xe đạp công cộng đã tạo ra các công ty khởi nghiệp đầy cạnh tranh như Mobike và Bluegogo. Các hãng này thu hút hàng tỷ USD đầu tư, biến những người sáng lập như Dai Wei - CEO Ofo trở thành doanh nhân nổi tiếng trong mắt công chúng.

Nhưng 4 năm sau, ít nhất 5 công ty khởi nghiệp mô hình trên phá sản. Tháng 6/2019, một tòa án Trung Quốc tiết lộ Ofo - công ty tiên phong trong lĩnh vực từng được định giá hơn 2 tỷ USD - không có tài sản, cũng không thể thanh toán các khoản nợ với nhà cung cấp lẫn khách hàng.

Kỷ nguyên vàng đã qua

Hàng triệu khách hàng Ofo chỉ trích trên mạng xã hội rằng công ty lãng phí hàng tỷ USD, xả rác khắp thành phố với những chiếc xe đạp không dùng đến, cũng không hoàn tiền lại cho họ.

Tháng 12/2018, hàng trăm người xếp hàng trong nhiều giờ liền ngoài trụ sở Ofo ở Bắc Kinh, yêu cầu công ty hoàn tiền. Họ không thu được gì ngoài lời hứa sẽ được trả lại tiền trong ba ngày, song cũng chỉ vài người nhận được. Đến tháng 2/2020, Ofo đổi thành ứng dụng mua sắm, cung cấp chiết khấu khi mua hàng thay vì hoàn tiền cho người dùng cũ.

Trước đó, người Trung Quốc vẫn tôn vinh những tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ. Thành công của các công ty công nghệ đầu tiên như Alibaba được xem là niềm tự hào dân tộc, chứng minh cho thế giới thấy sự phát triển vượt bậc về kinh tế, kỹ thuật của Trung Quốc.

Làn sóng phẫn nộ của công chúng trước sự sụp đổ của Ofo và các kỳ lân công nghệ khác là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình cảm với các hãng công nghệ bản địa bắt đầu chuyển hướng.

Trong nhiều năm, Jack Ma là biểu tượng cho thành công của ngành công nghệ Trung Quốc, truyền cảm hứng cho rất nhiều người với câu chuyện một giáo viên trung học trở thành nhà sáng lập hai tên tuổi công nghệ nổi tiếng nhất đất nước: Alibaba và tập đoàn Ant Group.

Nguoi Trung Quoc quay lung voi than tuong cong nghe anh 2

Từng là thần tượng công nghệ, hình ảnh Jack Ma giờ đây xấu hơn bao giờ hết trong mắt người dân Trung Quốc. Ảnh: Wang He.

Năm 2006, Jack Ma có mặt trên áp phích nhiều chiến dịch thúc đẩy đổi mới trong nước của chính phủ. Khi đó, Bắc Kinh cam kết đưa cả nước trở thành "xã hội đổi mới" vào năm 2020, dẫn đầu công nghệ toàn cầu năm 2050.

Ngày nay, những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và Tencent không xuất hiện trên các tấm bảng tuyên truyền. Họ chỉ còn hiện diện trong đời sống thường ngày vì sở hữu các ứng dụng hàng tỷ người dùng như WeChat.

Năm 2013, tờ People's Daily đăng bộ sưu tập ảnh Jack Ma từ thời trẻ đến trung niên có tiêu đề: “Kỷ nguyên cải cách: Thời đại tuyệt vời cho Jack Ma”. 6 năm sau, chính tờ báo này xuất bản bài báo tuyên bố: “Không có cái gọi là thời đại Jack Ma, chỉ có Jack Ma xuất hiện trong thời đại đó”, nhấn mạnh một số tên tuổi công nghệ trong nước, đặc biệt là ông chủ Alibaba, đã thất sủng .

Khi niềm tin sụp đổ

Sau sự sụp đổ của các startup chia sẻ xe đạp công cộng vào năm 2018, nhiều bê bối liên tiếp kéo đến khiến nhóm người dùng vốn thiếu thiện cảm với giới công nghệ nay lại có ấn tượng xấu hơn.

Các nền tảng lớn như dịch vụ giao đồ ăn Meituan, ứng dụng đặt xe Didi, công ty du lịch trực tuyến Ctrip bị cáo buộc khai thác dữ liệu và thông tin mua hàng để tính phí cao hơn cho người dùng.

Sau cuộc khảo sát năm 2019, Hiệp hội Người tiêu dùng Bắc Kinh nhận thấy 88% khách hàng tin rằng các nền tảng mua sắm trực tuyến khai thác dữ liệu của họ để tính giá cao hơn. Một hashtag về việc ứng dụng giao hàng Ele.me tính phí gấp đôi thu được hơn 580 triệu lượt xem trên Weibo.

Ngoài vấn đề đối xử với khách hàng, công chúng còn tức giận với cách quản lý nhân viên. Hôm 11/1, video một tài xế Ele.me tự thiêu vì không được trả lương dấy lên làn sóng phẫn nộ trước cách đối xử tồi tệ của các ứng dụng giao hàng với tài xế.

Nhân viên các công ty công nghệ Trung Quốc nổi tiếng với thời gian làm nhiều và tỷ lệ bỏ việc cao hơn nơi khác. Những nhà sáng lập như Jack Ma ủng hộ văn hóa "996" với ý nghĩa làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần, đồng thời cho rằng lịch trình như vậy "mang lại niềm hạnh phúc và phần thưởng cho sự chăm chỉ”.

Nguoi Trung Quoc quay lung voi than tuong cong nghe anh 3

Xe đạp chia sẻ nằm chất đống minh chứng cho thị trường bão hòa sau giai đoạn thăng hoa tại Trung Quốc. Ảnh: Fortune.

Nhiều nhân viên công nghệ phản đối tư duy trên. Năm 2019, những lập trình viên từng làm việc cho công ty thương mại điện tử Youzan và JD.com tạo trang GitHub 996.ICU nhằm phản đối văn hóa "996".

Cuộc tranh luận về "996" trở lại vào tháng 1/2021, khi công ty thương mại điện tử Pinduoduo xác nhận một nhân viên 23 tuổi qua đời ngày 29/12 sau khi làm việc đến 1h30 sáng. Chưa đầy hai tuần sau, một nhân viên khác vào công ty chỉ mới hơn 5 tháng được phát hiện tự tử. Sau hai vụ việc thương tâm, Pinduoduo cho biết đã thiết lập dịch vụ tư vấn tâm lý cho tất cả nhân viên của họ.

Hàng nghìn người chỉ trích Pinduoduo, nghi ngờ việc tăng ca dẫn đến cái chết của nhân viên đầu tiên. Một người dùng Weibo cho rằng bóc lột công nhân là "bản chất của văn hóa 996".

Giám sát nhiều hơn

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng tại Trung Quốc là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự bất mãn trên. Trung Quốc hiện có nhiều tỷ phú hơn Mỹ, nhưng khoảng 600 triệu người vẫn có thu nhập hàng tháng dưới 150 USD.

Theo Wired, giới chức trách đã nắm lấy lỗ hổng này để thắt chặt quy định đối với giới công nghệ, đồng thời đổ lỗi những bất công trong nền kinh tế cho các công ty này.

Tháng 10/2020, Jack Ma có bài phát biểu tại Thượng Hải, chỉ trích quy định tài chính của Trung Quốc "lỗi thời', cáo buộc các ngân hàng trong nước là những "tiệm cầm đồ”.

Vài ngày sau, chính phủ đình chỉ IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group. Nếu thành công, đây sẽ là đợt chào bán chứng khoán lớn nhất trong lịch sử.

Các quan chức cho biết công ty cần phải tuân thủ quy định mới trước khi niêm yết. Đáng chú ý, cả Jack Ma lẫn Ant Group đều không nhận được sự thông cảm từ cư dân mạng. Người dùng Weibo phần lớn đứng về phía chính phủ, gọi vị tỷ phú từng được tôn sùng là "kẻ phản diện tự cao tự đại” và “anh ta nghĩ rằng mình đứng trên luật pháp”.

Nguoi Trung Quoc quay lung voi than tuong cong nghe anh 4

Chênh lệch giàu nghèo là một trong những nguyên nhân tạo nên sự đứt gãy trong lòng xã hội Trung Quốc. Ảnh: LSE.

Sự phẫn nộ của công chúng phần lớn do dịch vụ cho vay của công ty khiến nhiều người lún sâu vào tình cảnh nợ nần hơn. Một bình luận trên Weibo với hơn 3.600 lượt thích cho biết việc IPO của Ant Group bị đình chỉ là điều tốt vì “những kẻ cho vay nặng lãi không nên niêm yết trên thị trường chứng khoán".

Giữa tháng 12/2020, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc phạt tập đoàn Alibaba và một nền tảng văn học trực tuyến của Tencent theo luật chống độc quyền, đồng thời điều tra việc sáp nhập hai công ty trò chơi do Tencent hậu thuẫn. Cơ quan này cũng đưa ra cảnh báo: “ngành công nghiệp Internet không nằm ngoài sự giám sát của luật chống độc quyền”.

Ngày 30/12, giới chức trách nước này phạt 3 công ty thương mại điện tử vì định giá bất thường. Khoản tiền phạt sau đó dùng để xoa dịu khiếu nại của người dùng về việc tăng giá không công bằng.

Jeffrey Towson, nhà đầu tư tư nhân từng là giáo sư ngành quản lý tại Đại học Bắc Kinh cho biết các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều sự giám sát hơn. Tất cả đều bị đặt nghi vấn về hoạt động nhiều hơn những năm trước.

Tranh cãi về các ứng dụng cho vay, khai thác dữ liệu người dùng, văn hóa "996" và việc cư dân mạng đứng về phía chính phủ đều là dấu hiệu cho thấy người dân Trung Quốc đang ngày càng cảnh giác với nhóm "Big Tech" nước này.

“Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này giúp hệ sinh thái Internet Trung Quốc được quản lý chặt chẽ hơn nhiều. Đây là thời điểm mà nhu cầu và kỳ vọng về cách thức công nghệ hoạt động của người dùng từ từ thay đổi”, Dev Lewis, thành viên tổ chức nghiên cứu Digital Asia Hub nhận định.

Theo Zing/Fortune

Ai có thể thay thế Jack Ma?

Ai có thể thay thế Jack Ma?

Trước khi nghỉ hưu vào năm 2019, Jack Ma đã chọn được người thay thế mình lãnh đạo Alibaba. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cái tên khác có thể đảm nhận vị trí này.