Vở Thân phận nàng Kiều (tác giả NSƯT Lê Chức và nhà văn Nguyễn Hiếu; đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng) được chuyển thể từ tác phẩm kinh điển Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Đây là lần đầu nhân vật nàng Kiều từ thơ nôm lục bát của đại thi hào Nguyễn Du được giải mã bằng ngôn ngữ rối cạn (rối và người). 

Vở diễn đã đoạt nhiều giải thưởng cao tại Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm 2019 như HCV cho vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, 2 HCV cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở. 

{keywords}
'Thân phận nàng Kiều' trên sân khấu rối cạn chủ yếu chọn vài sự biến cao trào của cuộc đời Thúy Kiều. 

Không theo thứ tự thời gian của Truyện Kiều, đạo diễn chỉ chọn vài diễn biến cao trào của cuộc đời Thúy Kiều. Bắt đầu từ vu oan giá họa của thằng bán tơ đã khiến gia đình Vương Ông lâm vào hoàn cảnh khốn cùng. Thúy Kiều phải hai lần sa chốn lầu xanh, hai lần làm thân đầy tớ, gian truân suốt 15 năm.

Vở rối hư cấu thêm hai nhân vật quan trọng - Nguyễn Du (nhân vật con rối Bút lông) và Đạm Tiên (hình hài Đàn tỳ bà) - là thử nghiệm rất sáng của cấu trúc chuyện kịch - rối. Những lớp chuyển thật sự mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Vở diễn chủ yếu là rối mặt nạ, điểm nhấn về tính cách của nhân vật được thể hiện qua những chiếc mặt nạ đó. Nấp sau những tạo hình con rối đó là bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ múa rối. Với tài tạo hình của họa sĩ Lê Đình Nguyên, những con rối có hồn, đã mang lại nhiều sắc thái trong suốt chuyện kịch.

Theo họa sĩ Lê Đình Nguyên, việc tạo hình con rối trong vở này có dấu ấn lớn của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng: "Nếu như vở này tôi không làm việc với đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng thì không ra được tạo hình các nhân vật Kiều như thế. Ví dụ đầu tiên tôi vẽ nhân vật thằng bán tơ. Đây là một nhân vật gian giảo, mặt lưỡi cày, thế là tôi biến nó thành lưỡi cày luôn. Trang phục thằng bán tơ cũng là một miếng giẻ rách. Hay Sở Khanh, nó là 2 mặt, một mặt là cực đểu của một thằng lừa gái, một mặt là thư sinh nho nhã. Trong tạo hình đấy, đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng nói rằng nên làm 2 mặt để lật mặt. Chính những trao đổi với một đạo diễn có tài như thế góp sức cho tạo hình của tôi rất nhiều".

Riêng tạo hình nhân vật nàng Kiều, hoạ sĩ Lê Đình Nguyên chia sẻ đã thất bại nhiều lần vẽ mấy chục lần không xong. Tuy nhiên, hôm đến nhà hát vỡ vở, diễn viên ra, hoạ sĩ Lê Đình Nguyên chia sẻ anh nhắm mắt lại, lúc bấy giờ một ý nghĩ chợt lóe lên: đầu Nàng Kiều phải như một cây đàn tỳ bà. Bởi vì những trường đoạn cuộc đời Kiều gắn liền với cây đàn. Lúc gặp mối tình Kim Trọng cũng là Kiều chơi đàn. Rồi khi cuộc đời Kiều bị đẩy đến tình cảnh khốn cùng của thân phận người đàn bà lúc phải chơi đàn trong cơn ghen cuồng nộ của Hoạn Thư. Thế rồi đến đoạn chết đứng của Từ Hải cũng là Kiều đánh đàn. Và bằng nỗ lực của mình, điều khiến hoạ sĩ Lê Đình Nguyên cảm thấy thú vị là tất cả các nhân vật ra sân khấu là khán giả nhận ra ngay.

{keywords}
Tạo hình rối trong vở diễn do hoạ sĩ Lê Đình Nguyên đảm nhiệm. 


NSND Nguyễn Tiến Dũng đã đưa âm nhạc mới vào dàn dựng rối với các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và Trần Đức Minh. Đó là những giai điệu day dứt vò xé đầy thương cảm về thân phận của Kiều.

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến đã viết 6 ca khúc xuyên suốt vở diễn từ ca khúc mở màn Chữ Tài, chữ Mệnh, đến ca khúc cao trào Thân phận nàng Kiều và các ca khúc lột tả mưu mô đen tối của Mã Giám Sinh, mụ Mối, Tú Bà, ca khúc bi hùng cho nhân vật Từ Hải, với giọng nam rất đẹp của ca sĩ Đinh Mạnh Ninh và giọng nữ du dương của ca sĩ Thu Trang. Nhạc sĩ Trần Đức Minh phối khí phần nhạc nền toàn vở, với âm giai chủ đạo là tiếng đàn tỳ bà và tiếng sáo, đã theo chân người xem sau khi rời khỏi rạp bởi cảm xúc quá tuyệt vời.

NSND Nguyễn Tiến Dũng tâm sự, anh đã ấp ủ làm vở Kiều từ cách đây 10 năm: "Khi đó tôi đang học đạo diễn tại trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, thầy tôi là NSND Ngọc Phương. Lúc thi tốt nghiệp, tôi có nói với thầy Phương muốn làm tác phẩm Kiều của cụ Nguyễn Du. Sau đó tôi về nghĩ đi nghĩ lại không dám làm bởi thứ nhất chưa hiểu lắm về Truyện Kiều, chưa cảm thấy tự tin để làm; thứ hai là vốn nghề và kinh nghiệm chưa nhiều khiến mình mất tự tin. Đến phút cuối cùng đăng ký bài tốt nghiệp tôi không làm Kiều mà làm một tác phẩm khác", NSND Tiến Dũng chia sẻ.

Trong suốt 10 năm sau đó, hình ảnh nàng Kiều cứ lẩn khuất trong tâm trí NSND Nguyễn Tiến Dũng. Đến giữa năm 2019, khi hay tin về việc chuẩn bị có một liên hoan sân khấu có yếu tố thử nghiệm khuyến khích các nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo cái mới, Nguyễn Tiến Dũng mới nghĩ "không phải lúc này còn lúc nào". Vượt qua bao nhiêu khó khăn khi dựng vở, nhưng bằng nghệ thuật rối - người, vở đạt đến chiều sâu tâm lý đa đoan, phức tạp của thân phận nàng Kiều. Bằng ngôn ngữ múa rối, tưởng chừng xa cách và bị giới hạn so với nghệ thuật ngôn từ thế nhưng NSND Nguyễn Tiến Dũng đã khéo léo, tinh tế, đến phá bỏ giới hạn đó mà kể cho người xem câu chuyện về nàng Kiều đầy sáng tạo.

Tình Lê

Hơn 1 tỷ đồng đầu tư cho vở diễn ballet 'Kiều'

Hơn 1 tỷ đồng đầu tư cho vở diễn ballet 'Kiều'

 Lần đầu tiên 'Truyện Kiều', niềm tự hào của văn học Việt Nam, được các nghệ sĩ trong nước đưa lên sân khấu thông qua hình thức múa ballet.