Rikako Ikee, 18 tuổi, là nữ vận động viên bơi lội đến từ Nhật Bản đã khiến cả châu Á đã phải chú ý từ đại hội thể thao ASIAD 2018.
Ngay trong lần tiên tham dự đại hội, ngày 19/8, Rikako cùng đồng đội giành tấm Huy chương vàng (HCV) và phá kỷ lục ASIAD ở nội dung 4*100m với thời gian 3 phút 36 giây 52. Tiếp đó cô giành thêm 2 HCV trong ngày 20/8, có thêm 1 HCV ngày 21/8 và 2 tấm HCV còn lại tới vào ngày 23 và 24/8. Không chỉ là 6 tấm HCV, cô gái 18 tuổi còn ghi danh vào lịch sử Á vận hội khi phá được 6 kỷ lục.
Với thành tích ấn tượng này, “nữ siêu nhân” sinh năm 2000 được kỳ vọng là vận động viên chủ chốt khi Nhật Bản tổ chức Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, vào sáng ngày hôm nay (12/2), trên trang cá nhân của mình, Rikako xác nhận rằng cô bị ung thư máu khiến nhiều người vô cùng ngỡ ngàng.
Hình ảnh vận động viên bơi lội Rikako Ikee đeo trên cổ 2 huy chương bạc và 6 huy chương vàng tại ASIAD 2018.
Nội dung tin nhắn mà Rikako gửi đến người hâm mộ:
“Kính thưa những người đã khuyến khích tôi và những người quan tâm. Cám ơn vì đã tiếp tục giúp đỡ tôi. Sau khi cảm thấy không khỏe, tôi trở về vội vã từ trại huấn luyện ở Úc và sau các xét nghiệm, tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu.
Tôi vẫn không thể tin đó là sự thật và đang trong tình trạng bối rối. Tuy nhiên, ung thư máu là một bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn với điều kiện điều trị đầy đủ.
Đối với lịch trình của tôi từ bây giờ, tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ thi đấu tại giải vô địch bơi lội quốc gia. Bây giờ tôi sẽ nghỉ ngơi một chút và tập trung vào điều trị để tôi có thể cho bạn thấy một Rikako Ikee mạnh hơn càng sớm càng tốt. Nếu bạn tiếp tục nhìn tôi bằng ánh mắt ấm áp, tôi sẽ rất vui.”
Được biết, Liên đoàn bơi lội Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo khẩn cấp vào 4 giờ chiều ngày hôm nay (12/2).
Ung thư máu là gì?
Ung thư máu hay còn gọi là bệnh bạch cầu, là loại ung thư ác tính, xuất hiện khi cơ thể bắt đầu có hiện tượng bạch cầu gia tăng đột biến.
Bạch cầu vốn đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể nên khi tăng số lượng một cách đột biến như vậy, nó sẽ bị thiếu thức ăn cũng như nguồn cấp dinh dưỡng, vì thế bạch cầu sau đó thường ăn chính hồng cầu - thành phần quan trọng của máu. Hồng cầu sẽ bị phá hủy dần dần, vì thế người bệnh khi mắc bệnh sẽ bị thiếu máu đến chết. Đây là căn bệnh ung thư duy nhất mà không tạo ra u.
Có thể điều trị khỏi ung thư máu hay không?
Thời gian sống ung thư máu còn phụ thuộc vào tình trạng phát triển của lượng bạch cầu có trong máu và cách phát triển của từng loại bệnh. Người ta tiên lượng cho từng loại bệnh như sau:
- Dòng tủy mạn tính: người được chẩn đoán ở giai đoạn đầu có thể sống trung bình 98 tháng (khoảng 8 năm); Những người được chẩn đoán ở giai đoạn giữa, có thời gian sống trung bình là 65 tháng (5,5 năm); Ở giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ còn 42 tháng (khoảng gần 4 năm).
- Dòng tủy cấp tính: đây là dòng phổ biến nhất của ung thư máu ở người trưởng thành. Nếu phát hiện sớm, thống kê cho thấy 20% đến 40% bệnh nhân sống ít nhất 60 tháng (5 năm). Tuy nhiên, người lớn tuổi mắc bệnh này thường có tiên lượng khá kém.
- Lympho mạn tính: nếu bệnh chỉ ảnh hưởng đến các tế bào B, bệnh nhân có thể sống từ 10-20 năm. Tuy nhiên, những người có bệnh ung thư máu lympho mãn tính tế bào T có tuổi thọ rất thấp.
- Lympho cấp tính: bệnh này thường tiến triển rất nhanh khiến cho những người mắc loại bệnh này trung bình chỉ sống được 4 tháng.
Tuy nhiên, khoảng 80% trẻ em bị ung thư máu dạng lympho cấp tính có thể chữa khỏi hoàn toàn. Người lớn chỉ có 40% cơ hội chữa khỏi bệnh, và điều này phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn tiến triển của bệnh. Trẻ em trong nhóm tuổi 3-7 có cơ hội phục hồi hoàn toàn cao nhất.
An An (Dịch theo Channel Newsasia)
'Kẻ ác nhất' Hong Kong năm nào, xơ xác từng ngày vì ung thư
Từng là một trong "bộ tứ đại ác" ở điện ảnh Hong Kong nhưng về cuối đời, hình ảnh người đàn ông gầy gò vì bệnh tật vẫn khiến nhiều người xót xa.