Ngành y tế đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ

Tại Hội nghị y tế toàn quốc sáng 6/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, hơn 1 năm qua, Việt Nam đã khống chế và kiểm soát thành công dịch Covid-19, có được thành quả này là nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với sự tham mưu của ngành y tế.

Trong lịch sử ngành y tế, chưa bao giờ có đại dịch nào có được sự tham gia của tất cả người dân như thời gian qua, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.

Đặc biệt với ngành y tế, một lần nữa đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết, thống nhất cao trong phòng chống dịch. Lớp lớp thế hệ y tế đã ngày đêm dấn thân vào trận địa, mặc dù trận địa đó hết sức cam go và có thể rủi ro mắc bệnh.

“Có cán bộ y tế trước khi tạm biệt nói với người thân rằng: Hôm nay đi có thể trở về vinh quang nhưng cũng có thể không trở về. Khi vào bệnh viện, có thể có tử vong. Đó là điều hết sức trân quý”, Bộ trưởng Y tế chia sẻ.

{keywords}

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ tại Hội nghị y tế toàn quốc. Ảnh Trần Minh

Thời gian ngắn sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam cũng đã thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ, trở thành 1 trong 4 nước đầu tiên giải trình tự gene virus thành công, là 1 trong 5 nước sản xuất kháng thể và một trong nhóm ít nước sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 và chủ động sản xuất được sinh phẩm y tế, máy thở.

Theo Bộ trưởng Long, ngành y tế thời gian qua đã ghi được dấu ấn, tạo được niềm tin với tất cả người dân nhưng thời gian tới cần tiếp tục giữ vững thành quả.

Người đứng đầu ngành y tế cũng cho rằng, để có được kết quả chống dịch như ngày hôm nay, với sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, tất cả bộ ngành đã phối hợp rất chặt chẽ.

Từ Tết Canh Tý đến nay, lực lượng bộ đội biên phòng đã lập hơn 1.600 điểm chốt với hơn 10.000 chiến sĩ canh dọc biên giới, trong đó có nhiều chiến sĩ 6 tháng chưa được về nhà. 

Trên mặt trận truyền thông, trong chống dịch đã hết sức công khai minh bạch, các nhà mạng đã gửi hơn 20 tỉ tin nhắn tới người dân. Đây là kỷ lục chưa từng có.

Ngoài ra, Việt Nam đã có được sự đồng lòng rất lớn của người dân, chỉ trong thời gian ngắn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã huy động được hơn 2.000 tỉ đồng.

Có nhiều tấm gương, nhiều bà mẹ bán đi một phần của cải, có người điện cho Thủ tướng nói sẵn sàng bán mảnh đất của gia đình mình ủng hộ phòng chống dịch.

“Dù chúng ta đã có những thắng lợi bước đầu song chặng đường trước mắt còn hết sức cam go với mục tiêu đảm bảo cho nhân dân có cái Tết an lành, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường là mong mỏi của ngành y tế”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố không được lơ là, mất cảnh giác, cần tiếp tục tập trung phòng chống dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Trong năm 2021 đây vẫn phải là ưu tiên hàng đầu, bức tranh dịch Covid-19 chưa có gì sáng sủa.

Từ tháng 7/2021 sẽ khám bệnh không dùng giấy

Nhìn lại hoạt động của ngành y tế trong năm qua, Bộ trưởng Y tế cho biết, năm 2020 là năm ngành y tế đã có nhiều cải cách mạnh mẽ.

Trong lĩnh vực hành chính, Bộ Y tế là một trong hai ngành đưa toàn bộ dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4 chỉ trong 6 tháng, kết nối với cổng một cửa quốc gia. Trong năm 2021, tiếp tục cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính.

Năm qua cũng là năm đầu tiên Bộ Y tế hoàn thành 90% chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Năm 2021, kế hoạch quan trọng nhất của Bộ Y tế là trình luật Khám chữa bệnh, luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi.

Chỉ trong 45 ngày, ngành y tế đã kết nối 1.000 điểm khám chữa bệnh từ xa và đến nay có 1.500 điểm. Chương trình này đã phát huy hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân tuyến cơ sở, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tuyến trên ngay tại tuyến dưới. Đến nay, đã có hơn 1.500 điểm cầu tham gia.

Từ nay đến 2025, ngành y tế phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ kết nối khám chữa bệnh từ xa, kể cả tuyến xã.

Trong lĩnh vực ngoại khoa, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều kĩ thuật khó như ghép ruột, ghép tạng, mổ tách cặp song sinh, ghép tay chân…

Chương trình chăm sóc sức khoẻ ban đầu cũng thu được những kết quả ban đầu, chiều cao người Việt trong giai đoạn 1990 -2020 tương đương chiều cao người Nhật giai đoạn 1945-1955. Nếu tiếp tục triển khai tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao sẽ tiếp tục tăng lên.

Năm qua, ngành y tế cũng là điểm sáng của Chính phủ trong chuyển đổi số. Trong thời gian ngắn, xây dựng hoàng loạt sản phẩm như nền tảng ứng dụng mạng y tế Việt Nam; ứng dụng kết nối trạm y tế xã V20, hồ sơ sức khoẻ cá nhân…

Trong đó, mạng y tế Việt Nam kết nối tất cả bác sĩ, nhân viên y tế các tuyến. Trong 6 tháng đầu năm nay, mạng lưới này sẽ tiếp tục hoàn thiện, thực sự là mạng kết nối nội bộ, trao đổi bệnh án, chuyên môn, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của các thầy thuốc.

Về kế hoạch năm 2021, Bộ trưởng Y tế cho biết trong tháng 3 tới sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo trong cấp phép dược phẩm, thực phẩm. Đặc biệt từ tháng 7/2021 sẽ thực thi đưa vào khám chữa bệnh không dùng giấy.

“Đây là mục tiêu tham vọng nhưng chúng tôi cho rằng phải thực hiện. Có như vậy chúng ta mới có bước chuyển đối số mạnh mẽ, hướng tới nền y tế trong tương lai”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Ngành y tế cũng sẽ sử dụng bệnh án dùng chung. Hiện tại, nhiều cơ sở y tế mới dừng ở liên thông cơ sở dữ liệu, chung kết quả xét nghiệm nhưng đây mới là khởi đầu, bước cao hơn phải sử dụng bệnh án dùng chung tất cả các tuyến, là cơ sở để áp dụng trí tuệ nhân tạo, big data để phân tích, nhận định xu hướng bệnh tật, từ đó đưa ra giải pháp can thiệp kịp thời.

Trong quý 1/2021, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ nghị định xã hội hoá, liên doanh liên kết, làm sao 1 đồng nhà nước cấp ra huy động được nhiều đồng hơn từ xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt ngành y tế.

Đặc biệt về nguồn đào tạo nhân lực, Bộ trưởng Y tế cho biết, trong luật Khám chữa bệnh sửa đổi sắp tới, ngành y tế đề xuất thi cấp chứng chỉ hành nghề, chọn đây là khâu đột phá ưu tiên đầu tiên.

“Hội đồng y tế đang chuẩn bị dữ liệu, sẽ cân nhắc tính toán dựa trên năng lực, trình độ tất cả bác sĩ nhưng làm sao đánh giá đúng trình độ và nâng cao năng lực chuyên môn”, Bộ trưởng Y tế thông tin.

Bộ Y tế cũng giao 2 trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y dược TP.HCM phải nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút sinh viên nước ngoài, không chỉ Lào và Campuchia.

Trong tháng 1, Bộ Y tế cũng sẽ trình Chính phủ đề án đào tạo nhân lực cho 28 tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để thu hút nguồn nhân lực.

Thời gian tới, Bộ trưởng Y tế cũng kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư cho y tế, tập trung vào y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng huy động từ xã hội với các hình phù hợp như thuê toàn bộ dịch vụ công nghệ thông tin, hạ tầng nhằm tiết kiệm nhân lực, dành thời gian cho hoạt động chuyên môn nhiều hơn thay vì hoạt động hành chính.

Đồng thời cũng cần có đổi mới tài chính, không giao dự toán quỹ bảo hiểm y tế để chuyển sang hình thức phù hợp.

Bộ Y tế cũng kiến nghị cần giải quyết dứt điểm nợ đọng quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2017 trở lại đây, có chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng theo chuyên khoa và vùng khó khăn.

Thúy Hạnh

Hiện thực hóa giấc mơ chăm sóc sức khoẻ mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá

Hiện thực hóa giấc mơ chăm sóc sức khoẻ mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá

Y tế số có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. CĐS y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này.