Chia sẻ với hãng tin Sputnik, ông Hogard cho rằng ý định của nhà lãnh đạo Pháp chủ yếu dựa trên mong muốn "trở thành ông chủ ở Liên minh châu Âu (EU)". 

Ông nói thêm, việc triển khai quân đội Anh và Pháp tại Ukraine dường như "không khả thi vì lý do chính trị, ngoại giao, chiến lược, và thực tế".

phap anh dieu quan toi ukraine .jpg
Quân đội Pháp tham gia một cuộc tập trận của NATO tại Na Uy. Ảnh: Naval News

Cũng theo ông, Tổng thống Mỹ Donald Trump "có khả năng sẽ không" ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Macron. Bởi quan hệ Moscow - Washington đang có "sự cải thiện đáng kể", còn Mỹ đang đóng vai trò chủ động trong quan hệ với Anh và Pháp.

Ông Hogard nhấn mạnh thêm, Nga sẽ không chấp nhận việc Anh và Pháp triển khai quân tới Ukraine, bởi Moscow sẽ "coi đây là khơi mào xung đột”. 

Cựu Đại tá quân đội Pháp chỉ ra rằng, nguồn lực quân sự của Anh và Pháp khi xét về nhân lực và vật chất "hoàn toàn không đủ cho một đợt triển khai quân sự phức tạp như vậy".

"Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố khó có thể dự đoán như sự mù quáng và bướng bỉnh của ông Macron”, ông Hogard kết luận.

Hồi tháng 2, trước chuyến thăm tới Washington, Tổng thống Pháp Macron đã họp với Thủ tướng Anh Keir Starmer nhằm thống nhất lập trường chung: châu Âu sẵn sàng đưa hàng chục nghìn binh lính tới Ukraine, sau khi Nga - Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Theo kế hoạch, lực lượng châu Âu gồm 30.000 quân sẽ tập trung tại nhiều thành phố của Ukraine, và đề nghị Mỹ đóng vai trò "dự phòng" răn đe Nga.

Cùng tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã loại trừ khả năng điều động binh sĩ nước này như một phần trong các đảm bảo an ninh tiềm năng cho Kiev.

Theo tờ Financial Times, EU đã xảy ra chia rẽ khi Đức, Italia, Ba Lan, và Tây Ban Nha từ chối gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine.

Hồi tháng 1, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề xuất triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình có ít nhất 200.000 binh lính nước ngoài tới Ukraine để giám sát thỏa thuận hòa bình tiềm năng với Nga.

Về phần mình, Moscow đã nhiều lần cảnh báo "bất kỳ lực lượng nào tiến vào lãnh thổ Ukraine mà không có sự đồng thuận, và cho phép của Nga đều là mục tiêu tấn công quân sự". 

NATO không tham gia đàm phán hòa bình Nga và Ukraine

NATO không tham gia đàm phán hòa bình Nga và Ukraine

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết, liên minh quân sự này không tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine mà Mỹ làm trung gian và tư cách thành viên NATO của Ukraine chưa bao giờ là một phần của thỏa thuận hòa bình tiềm năng.