Năm 1955, ông Tiền về nước và ngay lập tức được giao chủ trì chương trình tên lửa đường đạn. Chẳng bao lâu sau (1960), với sự trợ giúp về kĩ thuật của Liên Xô, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa đường đạn đầu tiên từ căn cứ Cửu Tuyền.
Được khích lệ và tạo điều kiện, năm 1966, Tiền Học Sâm cùng đồng sự bắt tay vào thực hiện chương trình phóng tàu vũ trụ có người lái. Chuyến bay dự kiến tiến hành vào năm 1973. Một nhóm gồm 19 phi công quân sự đã được tuyển chọn. Song, kế hoạch phải huỷ bỏ do Cách mạng văn hoá bắt đầu.
Ông Tiền Học Sâm. Ảnh: Wikipedia |
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu – thiết kế vẫn được tiếp tục, và ngày 24/4/1970, đất nước Trung Hoa ghi tên mình vào Danh sách 5 quốc gia có vệ tinh trên quỹ đạo: Vệ tinh Đông Phương Hồng-1 (DFH-1) có đường kính 1m, nặng 173kg đã được phóng thành công mang theo giai điệu bài hát Đông Phương Hồng trên tần số 20Mhz.
Năm 1991, Tiền Học Sâm về hưu. Trong khi đó, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu bí mật xúc tiến dự án phát triển tàu vũ trụ có người lái, mang mật danh Dự án 921. Năm 1993, 5 phi công quân sự Trung Quốc được cử sang Trung tâm huấn luyện vũ trụ của Nga học tập.
Năm 1998, lần đầu tiên giới tình báo nắm được “tung tích” con tàu Thần Châu cải tiến từ tàu Soyuz của Nga. Ngày 19/11/1999, từ căn cứ Cửu Tuyền, tàu Thần Châu-1 được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Trường Chinh-2F và ngày hôm sau trở về trên sa mạc Nội Mông.
Chỉ hơn 1 năm sau, ngày 9/1/2001, “Thần Châu-2” mang theo các vi sinh vật của Trái Đất đã bay vào vũ trụ và chỉ trở về sau 7 tháng, “chở đầy” một khoang kinh nghiệm về vật lí thiên văn, vật liệu, công nghệ sinh học…
2002 là năm hoàn tất những thử nghiệm cuối cùng với loại tàu Thần Châu và khẳng định tính thích hợp cũng như độ tin cậy của loại tên lửa Trường Chinh-2F: hai lần liên tục (25/3 và 30/12), các tàu Thần Châu-3 và 4 mang theo phi công giả đã được phóng lên quỹ đạo và đều hạ cánh an toàn.
Thế rồi thời khắc mong đợi đã đến: 9 giờ ngày 15/10/2003, con tàu Thần Châu-5 do phi công vũ trụ Dương Lợi Vĩ điều khiển được phóng vào không gian.
Mười phút sau khi phóng, Thần Châu-5 đã bay theo quỹ đạo, tạo một góc 42,4 độ so với đường kinh tuyến, điểm gần nhất cách Trái Đất 199,14km, điểm xa nhất 347,8km. Tàu Thần Châu-5 bay 14 vòng quanh Trái Đất với tổng chiều dài hơn 600.000km trong thời gian 21 giờ 23 phút. 6 giờ 23 phút ngày 16/10, bộ phận đổ bộ của Thần Châu-5 tiếp đất an toàn tại Nội Mông.
Phi công vũ trụ Dương Lợi Vĩ. Ảnh: Wikipedia |
Nếu như chuyến bay của tàu Thần Châu-5 đưa Trung Quốc trở thành nước thứ ba (sau Nga và Mỹ) đưa được con người vào vũ trụ, thì chuyến bay thành công của tàu Thần Châu-6 (phóng ngày 12/10, trở về ngày 17/10/2005 sau 76 vòng bay quanh Trái Đất) đã củng cố vị trí của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc vũ trụ và thúc đẩy nước này đạt được những bước phát triển mới trong nghiên cứu không gian vũ trụ.
Trong chuyến bay trên tàu Thần Châu-6, hai nhà du hành vũ trụ Nhiếp Hải Thắng và Phí Tuấn Long đã tiến hành các thử nghiệm tăng cường chuyển động trong khi mở và đóng các cánh cửa bên trong, thay bộ quần áo vũ trụ và sử dụng thiết bị để kiểm tra ảnh hưởng của hành trình tàu.
Hai anh cũng mang về Trái Đất những dữ liệu quan trọng phục vụ cho việc thiết kế phòng thí nghiệm không gian.
Nếu như trong chuyến bay tháng 10/2003 trên tàu Thần Châu-5, phi công Dương Lợi Vĩ đã phải buộc chặt mình vào chiếc ghế ngồi trong suốt 14 vòng bay quanh Trái Đất, thì đến Thần Châu-6, hai nhà du hành Nhiếp Hải Thắng và Phí Tuấn Long đã có điều kiện làm việc tốt hơn.
Tàu Thần Châu-6 rộng hơn. Mô-đun quỹ đạo của nó cho phép các phi công thực hiện thí nghiệm và sinh hoạt (ăn, ngủ) thuận tiện.
Kể từ đó, Bắc Kinh đã đưa 6 phi hành gia vào vũ trụ và phóng 2 phòng thí nghiệm không gian vào quỹ đạo của Trái Đất. Năm 2013, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga đổ bộ thành công lên Mặt Trăng, sau khi xe tự hành Ngọc Thố-1 đáp xuống vệ tinh của Trái Đất.
Năm 2019, xe tự hành Ngọc Thố-2 hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng với nhiệm vụ nghiên cứu và khám phá một khu vực trước đây chưa từng được nhân loại chạm tới, và trả lời câu hỏi liệu các hố của Mặt Trăng có nước hoặc các nguồn tài nguyên khác hay không.
Chỉ trong một thời gian ngắn, chủ yếu bằng con đường tự lực cánh sinh, Trung Quốc đã vươn lên vị trí của một trong 3 cường quốc công nghệ vũ trụ thế giới.
Kế hoạch tiếp theo của Trung Quốc là phóng tàu thăm dò Sao Hỏa và đưa một trạm vũ trụ cố định lên không gian vào năm 2022. Trung Quốc còn có kế hoạch sơ bộ để trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới đưa người lên Mặt Trăng, có thể vào thập niên 2030.
Nguyên Phong