Thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và Đề án về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030 năm 2024, ngày 4/11/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 26/4/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì Hội thảo. Dự hội thảo có đại diện Sở Tư pháp các tỉnh: Hà Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng; đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng, đại diện các công ty tư vấn luật, văn phòng luật sư, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục Trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, trong đó có 62% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. 

QUYNH HOA.png
Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục Trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật phát biểu tại Hội thảo. 

Lực lượng doanh nghiệp này đang đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà chưa đầu tư đúng mức vào việc nâng cao kiến thức pháp luật, nhằm phát triển bền vững, phòng tránh rủi ro và sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, công tác này đã đạt được một số kết quả tích cực. Dù vậy, quá trình triển khai vẫn còn tồn tại những bất cập về quy định pháp luật và công tác tổ chức thực hiện.

Screenshot at Nov 05 09 06 43.png
Hội thảo tham vấn ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 26/4/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có quy định rõ ràng về đầu mối tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cũng như chưa phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; cơ chế phối hợp liên ngành trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp cũng cần được nghiên cứu để hoàn thiện.

Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 66/NQ-CP ngày 29/10/2024 của Chính phủ, cần xem xét bổ sung các đối tượng doanh nghiệp ưu tiên hỗ trợ pháp lý, bao gồm doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn; doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; và doanh nghiệp hoạt động vì tác động xã hội, nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa và bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

Theo ông Tô Vũ Ninh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng, thống kê trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có hơn 62% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, các doanh nghiệp chưa có cơ cấu, tổ chức chặt chẽ, còn nhỏ lẻ nên khả năng tiếp cận với các chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn thấp; đồng thời, nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp dẫn đến việc xây dựng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp còn hạn chế.

c77de7a54726ff78a637.jpg
Ông Tô Vũ Ninh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cao Bằng phát biểu tại Hội thảo. 

Các đại biểu tham dự hội thảo đã chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong Nghị định số 55/2019/NĐ-CP và các khó khăn trong quá trình triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định này nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ. 

Theo đó, một số đề xuất được nhiều đại biểu đồng tình như: Cần xây dựng các quy định riêng về hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp vùng núi, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội vùng núi;cần xây dựng thiết chế hỗ trợ pháp lý liên ngành, giải quyết trực tiếp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; cần phát triển mạng lưới tư vấn viên pháp luật và giao cho địa phương xây dựng, quản lý...

Kết luận Hội thảo, bà Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp (HTPLDN) trong thời gian tới cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp. Đồng thời, truyền thông về công tác này tới cộng đồng doanh nghiệp để họ biết được quyền của mình trong tiếp cận pháp luật, sử dụng các kênh hỗ trợ từ phía nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN...

Các ý kiến tham luận tại hội thảo sẽ được ban tổ chức tổng hợp và đánh giá kỹ lưỡng, tạo cơ sở thực tiễn để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP.