Nếu chúng ta xoá bớt đi những định kiến vô hình, nhất là những định kiến bắt nguồn từ sự khước từ học hỏi, khước từ cảm thông, khước từ bao dung, có lẽ đời sống này sẽ dễ dàng hơn, thế giới này sẽ bình yên hơn chăng?
>> Thảm sát Paris: Ngòi bút mạnh hơn thanh gươm
>> Thảm sát Paris: Vụ 11/9 của nước Pháp?
Vụ thảm sát đẫm máu khiến 12 người thiệt mạng ở toà báo Charlie Hebdo vào ngày 7/1 kinh động toàn thế giới. Những kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt. Nước Pháp thở phào, tháp Eiffel sẽ lại thắp đèn giữa Kinh đô Ánh sáng. Nhưng biết bao nhiêu câu hỏi vẫn còn treo lơ lửng trên đầu những người có lương tri.
Vẫn còn đó một đám đông phẫn nộ. Vẫn còn đó những xung đột dai dẳng giữa con người với con người ẩn nấp sau bức màn tôn giáo và tự do. Vẫn còn đó những cực đoan nhân danh tôn giáo. Vẫn còn đó, ngổn ngang giữa những bạo lực và bạo loạn, một nỗi sợ hãi kinh hoàng của con người - nỗi sợ hãi phải sống trong một thế giới quá nhiều định kiến.
Tối 8/1, Tháp Eiffel tắt đèn, chìm vào bóng tối nhằm tưởng nhớ các nạn nhân. Ảnh: Getty Images |
Khi đọc những dòng tin tức về thảm kịch xảy ra ở Paris, tôi không khỏi có những giây phút ngược trở về với cái định kiến ngây ngô từng nằm sẵn trong đầu về mối dây liên hệ giữa đạo Hồi và khủng bố, sau bao nhiêu bận sửng sốt đọc tin về các vụ khủng bố của nhóm Hồi giáo cực đoan nào đó hoặc những tin tức về Nhà nước Hồi giáo ISIS.
Cho đến cách đây vài ba tháng, trước khi thực sự có một người bạn theo đạo Hồi, tôi vẫn thường hồ nghi những chiếc khăn trùm đầu hijab và có ý né tránh những người Hồi giáo nếu tình cờ thấy họ trên phố. Tôi sợ - nỗi sợ bắt nguồn từ định kiến cố hữu do thiếu hiểu biết. Cũng vì sợ hãi, tôi hầu như đã đóng sập cánh cửa giao tiếp với người theo đạo Hồi, tự nhốt mình trong sự tối tăm của định kiến và bảo thủ.
Tôi đã sống trong định kiến mù tối như thế mà không hề hay biết cho đến cách đây vài ba tháng, tôi tình cờ được xếp chung nhóm với Ben - một chàng trai trẻ người Uzbekistan trong lớp học tiếng Anh ở một trường Cao đẳng. Khi biết Ben là người Hồi giáo, tôi không khỏi có chút e ngại trong giao thiệp nhưng càng tiếp xúc, tôi càng nhận ra cái định kiến ngớ ngẩn bấy lâu nay của mình.
Chàng trai mới bước qua ngưỡng tuổi 20 ấy đã khiến tôi từ chỗ e dè trở nên khâm phục khi biết rằng, cậu nuôi giấc mơ sang Mỹ học hành từ thời phổ thông. Khi đã một mình sang đến Mỹ, cậu vừa đi học, vừa đi làm toàn thời gian để kiếm tiền trang trải chi phí học hành và sinh hoạt. Công việc lái xe đưa đón bệnh nhân ở một bệnh viện tại San Francisco khiến cậu phải dậy từ lúc 5 giờ sáng.
Ngày đi làm, tối đi học nhưng Ben không bao giờ quên cầu nguyện 5 lần một ngày vì cậu tôn thờ đấng tiên tri Muhammad và vô cùng sùng đạo. Thứ 6 hàng tuần - nhân ngày được nghỉ việc, cậu dành 2 tiếng đồng hồ đến nghe giảng đạo ở một nhà thờ Hồi giáo. Ben đã vô cùng sửng sốt khi nghe tôi bảo rằng tôi là người vô thần. Cậu ra sức “giảng đạo” cho tôi và thậm chí còn thuyết phục tôi đi thăm nhà thờ Hồi giáo cùng với cậu.
Nhờ theo chân Ben, tôi đã tự mở ra một cánh cửa cho riêng mình, sau hai tiếng đồng hồ phải trùm khăn hijab như người Hồi giáo, ngồi khép nép nghe một thầy tu đạo Hồi rao giảng kinh Cô-ran, giữa những người phụ nữ hoàn toàn xa lạ. Một phụ nữ tên là Fayza sau khi nghe người cai quản thánh đường giới thiệu tôi là người đến tìm hiểu về đạo Hồi đã tận tình lấy giúp khăn trùm đầu và hướng dẫn, giải thích các hành động nghi lễ trong giờ nghe giảng đạo. Tôi nhớ nụ cười xoà vô tư của Fayza khi thấy một đôi lần, do không biết, tôi vô tình thất thố với những người xung quanh khi họ đang khấn nguyện.
Dù không thay đổi được thực tế rằng tôi vẫn là một người vô thần, Ben và những người phụ nữ Hồi giáo sùng đạo tôi gặp ngày hôm ấy đã giúp tôi phá bỏ định kiến về đạo Hồi và những ngộ nhận về mối quan hệ giữa đạo Hồi và khủng bố. Tôi hiểu rằng: đạo Hồi không (nên) được định nghĩa bằng bạo lực và khủng bố.
Một lần, trong khi tranh luận về việc Đức Chúa Trời có tồn tại hay không, Ben vui miệng kể cho tôi nghe câu chuyện rằng: trong một lớp học, ông thầy giáo vô thần khăng khăng khẳng định làm gì có Chúa ở trên đời. Thấy mắt học trò nghi hoặc, ông hỏi: Chúa ở đâu, các trò chỉ cho tôi. Trong lớp học này, tôi chỉ thấy sự hiện diện của tôi và các trò mà thôi. Một cậu học trò đứng lên hỏi: Thưa thầy, tôi xin hỏi thầy, trí não của thầy ở đâu, suy nghĩ của thầy ở đâu? Tôi không nhìn thấy nó. Như thế nghĩa là thầy không có não, không có suy nghĩ phải không? Tương truyền, người học trò đó chính là nhà bác học Einstein.
Tôi nhớ đến câu chuyện của Ben khi nghĩ đến định kiến vô hình về người Hồi giáo của mình. Nếu chúng ta xoá bớt đi những định kiến vô hình, nhất là những định kiến bắt nguồn từ sự khước từ học hỏi, khước từ cảm thông, khước từ bao dung, có lẽ đời sống này sẽ dễ dàng hơn, thế giới này sẽ bình yên hơn chăng?
Nguyễn Thị Thanh Lưu