- Tham nhũng như lũ chuột sợ ánh sáng ban ngày và chúng rất sợ sự công khai, minh bạch. Do đó, cần phải có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí.
Tại cuộc hội thảo “MTTQ Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng” do UB TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức sáng nay, ông Ngô Huy Cương, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Tham nhũng như lũ chuột sợ ánh sáng ban ngày, rất sợ sự công khai, minh bạch. Do đó, cần có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí”.
Ảnh: Minh Đạt |
Theo ông, tham nhũng ở mức độ rất nghiêm trọng nên cần có giải pháp mạnh.
“Tất cả mọi hiện trạng hiện nay đều do công tác cán bộ. Phải chống chủ nghĩa thân hữu, không ai dám nói sự thật. Không dám nói sự thật thì không thể chống được tham nhũng”, ông Cương lưu ý.
GS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm VPQH cho rằng nhiều vụ án xử rồi nhưng người dân không đồng tình, MTTQ nên có những giám sát.
Theo ông, thiết chế thanh tra của nhà nước không phải thiết chế kiểm soát quyền lực mà vẫn là thiết chế quản lý nhà nước, vì vậy kết luận thanh tra phải thông qua người ra lệnh thanh tra.
GS Trần Ngọc Đường. Ảnh: Hoàng Long |
“Các vụ tham nhũng được UB Kiểm tra TƯ kết luận thì đã được thanh tra rồi đấy chứ. Như vụ Lê Phước Hoài Bảo ở Quảng Nam, trước đó Bộ Nội vụ đã thanh tra và khẳng định đúng quy trình rồi đấy chứ. Nên đừng hy vọng vào thanh tra nhiều, nó không phải thiết chế kiểm soát quyền lực mà là thiết chế để quản lý”, ông Đường dẫn chứng đề đề nghị cần thay đổi.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Nguyễn Đình Quyền bày tỏ không quá lạc quan về các thành tựu phòng chống tham nhũng vừa rồi. “Từ khi tôi bước chân vào QH, tôi thấy QH luôn luôn có một câu trong báo cáo của UB Tư pháp là việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. 10 năm rồi vẫn chưa tương xứng vì công cuộc phòng chống tham nhũng quá khó khăn”, ông kể.
Theo ông, khó khăn là do chế độ công vụ không rõ trách nhiệm của từng vị trí công tác.
Thứ hai là vấn đề kiểm soát tài sản. Ở các nước không có luật Phòng chống tham nhũng mà có luật kiểm soát tài sản, bất kể tài sản của cán bộ dịch chuyển như thế nào đều bị phát hiện.
“Ở mình nào thì kê khai, công khai nơi cư trú, chẳng để làm gì cả. Tôi phụ trách lĩnh vực đó trong 2 nhiệm kỳ, và lần nào trong các báo cáo thẩm tra tôi cũng khẳng định đó là việc hình thức”, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp nói.
Ngoài ra, ông cho rằng các thiết chế để phát hiện, điều tra tham nhũng đặc biệt ta không có. Ở các nước điều tra, phát hiện tham nhũng đều có thiết chế đặc biệt, cơ quan đặc biệt.
“Tôi từng cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi Nam Phi và thấy họ có một đội trực thuộc Tổng thống, không bị một thiết chế nào khác. Họ có cả quy trình tố tụng đặc biệt”, ông Quyền dẫn chứng và cho rằng có quá nhiều kẽ hở trong quản lý nhà nước, nếu cứ kỳ vọng luật Phòng chống tham nhũng là hơi quá.
“Chỉ 1 quy chế tuyển dụng một cô giáo mầm non nếu không chặt chẽ cũng sẽ có tham nhũng, một quy chế tiêm phòng cho trẻ em không rõ cũng phát sinh tham nhũng, ti tỉ thứ dễ phát sinh tham nhũng”, ông Quyền phân tích và khẳng định, bất cứ cơ chế gì xin - cho đều có thể phát sinh tham nhũng.
Bộ máy cứ bao bọc, khép kín rất kinh khủng
Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp cũng chỉ rõ nguyên nhân tham nhũng do thiếu thiết chế kiểm soát quyền lực, có nhưng chưa hiệu quả.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Đình Quyền |
“Ở Vinashin, Vinalines 10 đoàn thành tra, kiểm toán vào nhưng không phát hiện điều gì. Trong luật Phòng chống tham nhũng tôi đề nghị đưa 1 câu thôi, đó là “nếu đoàn thanh tra, kiểm toán đã vào, đã thanh tra và kiểm toán mà không phát hiện gì, nếu sau này các cơ quan khác phát hiện thì toàn bộ đội ngũ đó phải chịu kỷ luật và bị xử lý” nhưng không ai đưa vào cả.
Các anh vào mãi, vào bao nhiêu đoàn khéo có trường hợp sau này cầm phong bì rồi nhưng khi phát hiện ra anh lại chẳng ý kiến, chẳng chịu trách nhiệm gì, đó là có vấn đề”, ông Quyền kể.
Theo ông, để kiểm soát quyền lực, MTTQ cùng báo chí tạo ra công luận và dư luận, tạo ra sức ép cho cơ quan nhà nước bắt buộc phải vào cuộc.
“Cái khó nhất là phát hiện vì các bộ máy cứ bao bọc, khép kín, rất kinh khủng. Chúng ta cứ nói công khai minh bạch nhưng toàn công khai trong hội nghị giao ban của đơn vị thì ai biết cái gì. Chúng ta nói nhưng không làm đúng như vậy”, ông Quyền nói.
Cựu chiến binh cần tích cực tham gia đấu tranh chống tham nhũng
Sáng nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 6 Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2022, đã khai mạc phiên chính thức tại Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch nước: Chống tham nhũng không loại trừ ai
“Đấu tranh chống tham nhũng phải làm kiên quyết, không loại trừ bất kỳ ai, ưu tiên thu hồi tài sản đối tượng tham nhũng đã chiếm đoạt”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời cử tri TP.HCM.
Chấp nhận đi tù, 'hy sinh đời bố' để tham nhũng
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, nhiều đối tượng tham nhũng sẵn sàng “hy sinh đời bố củng cố đời con”, chấp nhận đi tù để có dăm chục tỷ.
Một số cán bộ muốn có bồ nhí để quản tài sản tham nhũng
ĐBQH nêu thực trạng một bộ phận cán bộ lãnh đạo quan tâm đến phái nữ chỉ vì muốn có bồ nhí để quản lý khối tài sản tham nhũng.
Tướng Sùng Thìn Cò: Lấy phiếu tham nhũng, ai cao nhất cho nghỉ ngay
Phó Tư lệnh Quân khu 2 đề nghị lấy phiếu tín nhiệm tham nhũng với cán bộ, ai cao nhất cho nghỉ ngay.
Mua đô la, kim cương để tẩu tán tài sản tham nhũng
ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu việc đối tượng có nhiều tài sản thường tìm cách tẩu tán như mua vàng, đô la, kim cương…
Thu Hằng