Sau khi được trang bị “kiến thức cơ bản”, các “nhân viên tập đoàn” bắt đầu ăn mặc bảnh bao, tủa đi các nơi tung tin ngầm về việc “Bộ Quốc phòng thu mua hàng Đ”. Không có bất kỳ một cam kết, hợp đồng nào giữa những đầu mối với nhân viên tập đoàn. Chỉ có lời hứa suông: “Khi nào tìm được một món “hàng Đ”, góp vốn 50 triệu đồng sẽ được chia lợi nhuận thấp nhất là 50 tỷ đồng ngay sau khi giao dịch thành công!”.
Có lẽ đến mấy cái chương trình “làm giàu không khó” của đám lừa đảo bán hàng đa cấp cũng chỉ hấp dẫn đến thế mà thôi?
Ai là nạn nhân?
Có 3 loại kịch bản dành cho 2 loại nạn nhân.
Loại kịch bản thứ nhất, nạn nhân là “nhân viên tập đoàn” mới tuyển dụng. Trường hợp của Hợi chỉ là một thí dụ. Thời điểm Hợi bị rơi vào cạm bẫy, các đầu mối chưa nghĩ ra chiêu trò soạn thảo hợp đồng. Và những cú lừa ấy chỉ nằm ở mức giá dưới 100 triệu đồng. Loại kịch bản này, có 3 cụm vai diễn gồm: Người chủ sở hữu “cây” đồng đen là bên A, “đại diện Bộ Quốc phòng” (tức đầu mối thu mua) là bên B và C là một người trung gian tình cờ.
Cục thiên thạch được tạo bằng bột đá và hắc ín, giữa lõi có viên nam châm. |
Hợi là đối tượng bị lừa (về sau, đối tượng bị lừa trong kịch bản này là “nhân viên tập đoàn”). Dù bị lừa nhưng Hợi vẫn tin rằng “ở đâu đó trên trái đất vẫn có những loại hàng Đ thật”!?
Loại kịch bản thứ hai, dành cho nạn nhân là người có nhiều tiền.
Khi biết ai đó giàu có, chúng xua nhân viên tập đoàn tiếp cận làm quen kiểu tình cờ để gợi ý về một loại vật chất quý hiếm mà Bộ Quốc phòng đang truy lùng thu mua với giá 300 triệu đô la/1 kg. Trước khi chia tay con mồi, nhân viên tập đoàn không quên dặn: Khi nào nghe thông tin ai muốn bán “hàng Đ” thì thông báo.
Khi thấy con mồi đã tin, chúng vắng mặt vài tháng. Trong thời gian đó, chúng cử lần lượt từng người tiếp cận tình cờ để “bơm” thêm niềm tin về thứ kim loại quý giá đó là có thật. Đến thời điểm quyết định, chúng cho nhân viên tập đoàn đóng vai làm người có “hàng Đ” muốn bán. Người này phải vờ như không biết giá trị của hàng, chỉ đưa ra giá 2 tỷ đồng.
Vụ mua bán “hàng Đ” do Công an tỉnh Lâm Đồng khám phá cách đây ít lâu là một ví dụ cho loại kịch bản này.
Đầu năm 2011, chị A là một doanh nhân ở Thanh Hóa vào TP Hồ Chí Minh kiếm hợp đồng làm ăn. “Tình cờ” chị A quen với một người tự xưng tên Hùng. Hùng xưng là “người đại diện cho Bộ Quốc phòng” đi thu mua “hàng Đ”. Hùng cho biết, “Bộ Quốc phòng” thu mua với giá 300 triệu đô la/1 kg thiên thạch. Biết chị A thường xuyên vào vùng Tây Nguyên thu mua lâm sản, Hùng nhờ chị A nghe ngóng xem có ai đang sở hữu “hàng Đ” không?
Đến giữa năm 2011, chị A đi Lâm Đồng thu mua hàng nông lâm sản thì “tình cờ” gặp một người địa phương tên là Y Wiên B’dap (57 tuổi, trú tại buôn Ea Khít, xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Y Wiên B’dap cho biết mình đang “thờ” một cục đá có khả năng làm vỡ kính và nổi trên mặt nước. Vì đó là của gia bảo nên Y Wiên B’dap không bán.
Chị A lập tức gọi điện báo cho Hùng. Từ TP Hồ Chí Minh, “Thiếu tướng” Hùng có mặt ở Lâm Đồng ngay để cùng chị A tìm gặp Y Wiên B’dap và ra giá mua là 100 triệu đồng. Y Wiên B’dap cương quyết không bán nên giá cục đá được Hùng nâng dần lên đến... 200 tỷ đồng. Đến giá này thì Y Wiên B’dap chịu bán nhưng nêu điều kiện là phải chồng tiền trước buổi tối ngày hôm sau.
Đến lúc này thì Hùng nhăn nhó với chị A: “Điều kiện nó đưa khó đáp ứng. Trong quân đội, thủ tục giải ngân không thể nhanh. Ngân hàng cũng phải có thời gian huy động số tiền lớn như vậy. Hay là em (chị A) có vốn bỏ ra mua. Khi anh giải ngân được, anh sẽ mua lại từ em giá 300 tỷ đồng?”.
Tóc hóa thạch làm từ sợi amian. |
Thấy A ngần ngừ, Hùng tung chiêu: “Em yên tâm. Anh sẽ buộc Y Wiên B’dap cùng bỏ cọc ra với mình vài chục triệu. Mình chỉ cần đặt cọc 2 tỷ. Anh có đội ngũ kỹ thuật viên toàn cấp tá sẽ thử các tiêu chí. Nếu đá giả, mình lấy tiền cọc của lão. Nếu đá thật, “Bộ Quốc phòng” nợ lão 198 tỷ đồng và nợ em 102 tỷ đồng. mình lãi cả trăm tỷ, hai anh em mình chia nhau”.
Thấy món lời quá lớn, quá dễ, chị A lập tức gọi điện cho người nhà mang 2 tỷ tiền mặt lên Lâm Đồng.
Hùng gọi điện thông báo cho “Bộ Quốc phòng” biết đã tìm ra 1 bảo vật, yêu cầu bộ cử kỹ thuật viên cao cấp đi Lâm Đồng hỗ trợ.
Hùng thuê 1 phòng khách sạn rồi gọi Y Wiên B’dap mang két sắt chứa viên thiên thạch nặng 3 kg đến. Hùng và Y Wiên B’dap soạn thảo hợp đồng thử đá theo “3 tiêu chí”. Trước khi thử, Y Wiên B’dap đặt tiền cọc 20 triệu, chị A đặt cọc 2 tỷ đồng. Số tiền đó bỏ vào 1 két sắt do chị A đem theo. Giao ước được đưa ra là: Nếu đá không làm vỡ kính, không nổi lên mặt nước thì chị A ôm két sắt chứa tiền về, xem như Y Wiên B’dap mất tiền cọc 20 triệu. Nếu đá đạt các “tiêu chí” thì chị A chỉ việc chở két sắt chứa thiên thạch về chờ... “Bộ Quốc phòng” thu mua!
Các “kỹ thuật viên” mang bao tay, cẩn thận thực hiện thử các “tiêu chí”. Quả nhiên cục đá nặng 3kg nổi lều phều trên mặt nước. Kính để gần khoảng 1 phút thì xuất hiện vết rạn. Hùng tuyên bố: Đây là thiên thạch thật mà “Bộ Quốc phòng” đang thu mua. Các “kỹ thuật viên” đặt viên đá vào két sắt.
Chị A mừng suýt ngất vì được sở hữu món “hàng Đ”. Hùng phụ chị A áp tải két sắt chứa bảo vật về khách sạn. Sáng hôm sau, chị A cùng Hùng mở két sắt để kiểm tra viên đá.
Viên đá không còn linh nghiệm nữa. Hùng xúi chị A đi báo Công an. Khi chị A vừa rời khách sạn, Hùng trốn mất.
“Kỹ thuật viên” đang thử một cục đồng đen. |
Theo mô tả của chị A, Công an Lâm Đồng bắt gọn 7 “kỹ thuật viên cao cấp”. Hóa ra, đó chỉ là những đối tượng thất nghiệp mà dân trong nghề gọi là “nhân viên tập đoàn”. Chúng đã dùng phương pháp ảo thuật để “thử các tiêu chí”. Thật ra Y Wiên B’dap và Hùng đều là diễn viên trong vở kịch lừa chị A.
Trong khi đó, Hùng và Y Wiên B’dap chạy sang Đắk Lắk tiếp tục thực hiện một phi vụ lừa nữa. Trong vụ này, Y Wiên B’dap sa lưới pháp luật còn Hùng thì kịp cao chạy xa bay.
Giải mã
Với những vở kịch lừa như vậy, khi đổ bể chỉ có những kẻ được gọi là “nhân viên tập đoàn” bị bắt, đa phần các “cấp trên” đều đào thoát được.
Phần quan trọng trong kịch bản lừa là làm cách nào để những con mồi tin rằng trên đời này có các loại đá, đồng có tính năng đặc biệt như tiêu chí đã đề ra. Để con mồi không đủ thời gian kiểm tra các cách thử tiêu chí, chúng luôn đề nghị: “Hàng có giá trị cao. Muốn xem cách thử phải mất 50 triệu đồng. Thử xong phải mua. Nếu không đồng ý 2 yêu cầu đó thì đừng xem hàng”.
Hợi tiết lộ cho tôi biết đồng đen chỉ là một loại bột đá trộn với hắc ín.
Để con mồi không tò mò sờ đụng, khi thử tiêu chí, các “kỹ thuật viên” giả vờ mang bao tay và nhăn nhó như bị phóng xạ tác động làm đau đớn. Có khi chúng phải vờ ôm bụng la hét.
Để những hạt gạo chạy đến chân bức tượng đồng đen, chúng đã cố ý để bức tượng trên mặt bàn kính dày, có độ nghiêng rồi để loa đang phát nhạc lên một góc bàn. Độ rung của âm thanh sẽ tạo dao động khiến những hạt gạo chạy về phía mặt bàn ở phía thấp hơn.
Để đá lửa không phát tia lửa, chúng đã ngâm cục đá vào dầu thực vật suốt 3 ngày. Độ ẩm của dầu sẽ ngăn cục đá phát tia.
Gương vỡ tan được gói sẵn, thủ trong tay áo. Khi đưa 1 tấm gương còn nguyên rà vào tượng đồng đen xong, “kỹ thuật viên” gói lại rồi đặt vào hộp, khóa kín lại. Khi ấy, “kỹ thuật viên” đã nhanh tay tráo gói gương vỡ sẵn cho vào hộp và thu gói gương còn nguyên vào tay áo.
Đối với chì hủy sắt thì chúng tạo một cây đinh bằng bột rồi sơn phết bên ngoài cho giống đinh thật. Trước khi gí cây đinh giả vào cục chì, chúng đã dùng cây đinh thật chạm vào thỏi nam châm. Khi con mồi tin đó là đinh sắt thật thì chúng tráo cây đinh bằng bột, nhét vào cục chì. Vài phút sau, chúng rút cây đinh bột ra bóp nhuyễn để chứng minh cục chì này có thể tiêu hủy sắt.
Tượng đồng đen đặt trên mặt bàn bằng kính có độ nghiêng rồi rải gạo lên, Cho thiết bị nối với mặt bàn chạy, thế là gạo chạy về phía tượng đặt nơi vùng mặt bàn thấp. |
Chúng truyền miệng rằng, ngọc rết có thể biết nghe lời người chủ. Chúng đặt cục đá loại thạch anh lên bàn rồi dùng chiếc đũa đặt ngang kiểu bập bênh. Sau đó, chúng ra lệnh cho chiếc đũa xoay phải, xoay trái, thậm chí chỉ vào người khách. Thật ra, lõi chiếc đũa là sợi dây sắt. Dưới mặt bàn chúng lắp một hệ thống nam châm điện. Một tên được giao nhiệm vụ điều khiển chiếc đũa xoay theo khẩu lệnh.
Tóc hóa thạch kỵ lửa thì được tạo bởi sợi amian. Chân cây nến thử đồng lạnh được làm bằng thạch cao. Chì đổ mồ hôi chỉ là hợp chất thủy ngân trộn với chì.
Để cục đồng đen nổi lên mặt nước thì chúng đặt thỏi nam châm giữa cục “đồng đen” rồi đặt dưới 1 nam châm đối cực thật mạnh lắp trong vách.
Hợi bảo, hầu hết các “nhân viên tập đoàn” đều biết các chiêu ấy. Tuy vậy, họ vẫn có một niềm tin rằng, những vật thể quí hiếm ấy vẫn tồn tại đâu đó trên trái đất. Trong khi chờ vận may tìm được món hàng thật, những gã nhân viên tập đoàn đành đi theo các “cấp trên” làm diễn viên đóng vai chủ “hàng Đ”, làm cò môi giới hoặc làm “kỹ thuật viên”. Những phi vụ lừa nhỏ, “nhân viên tập đoàn” cũng được chia chác chút ít.
Không may, sự việc bị bại lộ thì “hồn ai nấy giữ”, có chết cũng không dám khai ra “cấp trên”. Vì vậy, một số vụ lừa “hàng Đ” bị phát hiện, chỉ có “nhân viên hàng Đ” nhận lãnh trách nhiệm là người đầu vụ. Kẻ đầu vụ thật rất hiếm khi sa lưới bởi “tôi cũng là nạn nhân”!
Tôi đã hỏi hầu hết những “nhân viên tập đoàn” thường xuyên có mặt ở chung cư Bà Điểm: “Đã bao giờ thấy hàng Đ thật chưa?”. Câu trả lời chung là: “Nếu tôi thấy nó thật thì bây giờ tôi đã trở thành tỷ phú rồi!?”.
Như có ma lực, chưa ai từng thấy món “hàng Đ” thật sự bao giờ, thế nhưng hằng ngày họ vẫn bám víu lấy ước mơ, vô tình trở thành công cụ giúp sức cho những gã “cấp trên” ẩn mặt.
Hiện tại, cứ mỗi buổi sáng, hàng chục dân “hàng Đ” cấp thấp tức “nhân viên tập đoàn” vẫn la cà quanh các quán cà phê khu vực chung cư Bà Điểm để nghe ngóng lẫn nhau và cũng để phát tán tin huyễn hoặc về một mặt hàng không có thật.
Nhiều người trong số đó bị gia đình từ bỏ phải sống vạ vật vỉa hè hoặc ăn xin đồng nghiệp từng bữa cơm. Đói rách nhưng họ vẫn phải xách cặp táp, áo đóng thùng, mồm văng ra những hợp đồng hàng trăm triệu đô la để ra vẻ “nhân viên tập đoàn” xịn.
Thỉnh thoảng mới có một con mồi sa bẫy được chia vài triệu đồng còm cõi. Trong khi đó, những gã “cấp trên” cứ thay nhau đi diễn kịch khắp nơi thu hàng tỷ đồng.
(Theo CAND)