Mỗi lần mở két để cất tiền, tôi luôn có cảm giác tiền bị hao hụt đi, dù chỉ là vài trăm nghìn. Trong khi nhà chỉ có hai vợ chồng, tôi không biết có phải vợ lấy trộm tiền mang về cho nhà ngoại hay không?

Tôi năm nay 26 tuổi, còn vợ 24 tuổi, chúng tôi mới kết hôn được hơn 2 năm nay, con trai tôi được hơn 1 tuổi. Hiện tại kinh tế gia đình một mình tôi cáng đáng vì vợ đang nghỉ làm ở nhà trông con. Tiền nong chi tiêu trong gia đình hiện đều do tôi giữ. Tôi có một khoản tiết kiệm nhỏ cất trong két, két có 2 chìa khóa nhưng do tính tình lơ đễnh tôi đã làm mất 1 chìa. Từ khá lâu rồi, thỉnh thoảng đếm khoản tiết kiệm, tôi có cảm giác tiền luôn bị hao hụt đi (dù chỉ là vài trăm nghìn). Vì không nhớ số tiền chính xác nên tôi cho qua. Hôm nay tôi mở ra kiểm tra thì thấy thiếu 500 nghìn. Tôi tìm các nơi thì phát hiện 1 chìa khóa két bị mất ở trong túi áo khoác của vợ. Ngoài ra còn 1 chìa nữa cũng đã được đánh thêm từ bao giờ (vì nhìn chìa hơi cũ), và một khoản mấy triệu vợ cất riêng.

{keywords}
Tiền tiết kiệm trong két tự nhiên bị thâm hụt mất vài trăm nghìn, liệu có phải vợ tôi lén lấy tiền đem cho nhà ngoại? (Ảnh minh họa)

Trong nhà chỉ có hai vợ chồng, không có ai khác, tôi nghĩ chỉ có vợ lén lấy tiền, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cho vợ tiền mua sắm riêng nên không hiểu cô ấy lấy làm gì. Liệu có phải cô ấy lấy tiền đem về cho bố mẹ đẻ hay không?

Bây giờ tôi rất cần lời khuyên chân thành của các anh chị, tôi phải xử lí chuyện này như thế nào để gia đình yên ấm mà không tái diễn lại nữa. Xin chân thành cảm ơn!

Huy Hoàng (Thanh Hóa)

Chuyên gia tư vấn:

Chào anh, có lẽ bây giờ anh đang phải sống trong tâm trạng băn khoăn, nghi ngờ chính người bạn đời của mình.

Kinh tế luôn là mối quan tâm lớn của mỗi gia đình. Đặc biệt là với các cặp đôi mới cưới. Và khi vấn đề tiền bạc không được công khai, minh bạch thì vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt.

Đáng ra vấn đề tiền bạc hai vợ chồng anh nên có sự thống nhất từ đầu. Đây là vấn đề nhạy cảm, dễ làm sứt mẻ tình cảm nếu như hai người không tìm được tiếng nói chung. Bây giờ khi xảy ra việc như thế này "một mất mười ngờ". Tâm trạng ngờ vực dấn đến tâm lí bực bội có thể khiến anh mất kiểm soát trong lời nói và việc làm của mình, có thể dẫn đến vợ chồng cãi vã hoặc sứt mẻ tình cảm. Nên việc đầu tiên là anh cần bình tĩnh để suy xét và giải quyết mọi chuyện.

Trước hết anh cần phải kiểm tra chắc chắn xem có thật là bị thâm hụt tiền trong két hay không? Anh hãy đếm cẩn thận số tiền đang có trong két sau đó ghi chép lại con số, từ giờ mỗi lần bỏ tiền vào két thì anh hãy ghi lại. Tốt nhất anh lấy một quyển sổ nhỏ để ghi lại các khoản thu –chi lớn trong nhà để hai vợ chồng cùng biết, khi kiểm tra lại thì có ngay số liệu để đối chứng. Sau đó anh hãy đợi 1 -2 tháng kiểm tra xem có đúng là thiếu thật hay không.

Anh có thể vui vẻ thông báo cho vợ biết số tiền tiết kiệm hiện nay của hai vợ chồng là bao nhiêu. Và những hoạch định trong tương lai hai vợ chồng sẽ cần tiết kiệm để mua sắm những gì: mua nhà, mua xe, mua sắm đồ đạc; chi phí nuôi con…

Anh cũng có thể làm như vô tình thông báo với vợ anh đã tìm thấy chiếc chìa khóa két mà cứ tưởng là mất, rồi băn khoăn không hiểu tại sao lại tìm thấy những 2 chìa, trong khi chỉ bị mất 1 cái, để xem vợ anh phản ứng ra sao.

Điều quan trọng là anh phải dẹp bỏ được tâm trạng nghi ngờ bởi có thể những điều anh trông thấy chưa chắc giống như những gì anh nghĩ. Tiền anh thấy trong túi áo vợ chưa chắc đã phải tiền vợ lấy trong két, mà có thể là tiền anh đưa cho vợ mua sắm nhưng vợ không tiêu, để dành.

Nếu sau khi kiểm tra anh thấy thực sự bị mất tiền thì lựa lúc vợ chồng vui vẻ, anh có thể hỏi han xem dạo này vợ có cần tiền mua sắm gì không. Hỏi thăm gia đình bên ngoại xem có ai đau ốm hay gặp khó khăn gì để vợ chồng có thể tìm cách giúp đỡ, chia sẻ.

Anh cũng nói với vợ, hiện tại chỉ có một mình anh đi làm, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nên rất thương vợ phải vất vả, tằn tiện trong chi tiêu vì con con nhỏ. Nếu vợ gặp khó khăn về tiền bạc thì có thể nói với chồng để cả hai cùng bàn bạc, tìm ra cách giải quyết.

Sau đó, anh hãy cố gắng dành một khoảng thời gian ngắn mỗi tuần, mỗi tháng để bàn với vợ về tài chính trong nhà, công khai để tạo cho nhau sự tin tưởng. Có như thế, hai vợ chồng mới nắm được điều kiện kinh tế gia đình mình, hoạch định cho những kế hoạch chi tiêu quan trọng như mua nhà, mua xe hay sắm sửa những vật dụng mới...

Anh cũng nên chia sẻ với vợ về những mục tiêu mà anh muốn đạt được trong tương lai để hai vợ chồng cùng phấn đấu.

Các vấn đề về tài chính đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, gìn giữ và vun đắp hạnh phúc gia đình nên điều cốt yếu là vợ chồng anh phải tạo được thói quen chia sẻ, nói chuyện cởi mở với nhau về số tiền kiếm được mỗi tháng, và những khoản lớn đã chi tiêu. Việc nói chuyện thẳng thắn với nhau về kinh tế sẽ giúp hai vợ chồng tin tưởng, hiểu và đồng cảm với nhau hơn.

Chúc gia đình anh hạnh phúc!

Chuyên gia Tâm lý