Thảm hoạ tốn kém nhất lịch sử California

Theo Tập đoàn Moody's Ratings, sẽ mất nhiều tháng để xác định quy mô thiệt hại bảo hiểm phải chi trả cho các vụ cháy rừng ở Los Angeles, tiểu bang California, Mỹ.

Ước tính ban đầu của AccuWeather cho thấy, thiệt hại có thể lên tới 150 tỷ USD.

Số người thiệt mạng do các đám cháy ở bang California là 24 người và có thể còn tăng. Khoảng 12.000 công trình, trong đó có rất nhiều biệt thự nguy nga của các tỷ phú và siêu sao Hollywood, với những cái tên như: Paris Hilton, Anthony Hopkins, Ben Affleck, Billy Crystal… bị thiêu rụi.

Đây là vụ hỏa hoạn nghiêm trọng nhất lịch sử California trong vòng 100 năm qua. 

Trước đó, trong vài năm lại đây, đã có nhiều công ty bảo hiểm "tháo chạy" khỏi vùng đất này, giống như họ đã biết trước thảm họa sẽ xảy ra. Những ngôi nhà bị cháy mà không có bảo hiểm xem như mất trắng.

Thiệt hại từ các vụ cháy lần này là rất lớn và vẫn đang gia tăng. Nhiều khả năng sẽ xuất hiện một làn sóng các công ty bảo hiểm sẽ tiếp tục tháo chạy khỏi California hoặc chi phí bảo hiểm sẽ rất lớn cho các công trình tại vùng đất xinh đẹp hàng đầu nước Mỹ nhưng rất dễ gặp hỏa hoạn này.

Trên thực tế, California thường chứng kiến các vụ cháy rừng trong tháng 6-7 và có thể kéo dài đến tháng 10 hàng năm. Các vụ hoả hoạn trong những ngày vừa qua khá bất thường, xảy ra vào thời điểm mùa đông lạnh nhất ở bang này, và đã xóa sổ nhiều thành phố tươi đẹp, như thành phố biển Pacific Palisades. Những khu phố với các căn biệt thự có view triệu USD giờ đây chỉ còn lại tro bụi.

Thiệt hại là rõ ràng và rất lớn. Quá trình phục hồi cho vùng đất của giới nhà giàu Mỹ sẽ khó khăn. 

PacificPalisades luxuryhomes.gif
Thành phố biển Pacific Palisades đã bị xóa sổ vì cháy rừng. Ảnh: LA

Bảo hiểm tháo chạy, triển vọng u ám cho vùng đất xinh đẹp

Trong quá khứ, California mà đặc biệt tại quận Los Angeles thường xuyên chứng kiến các vụ cháy rừng. Đây là vùng đất nổi tiếng với phong cảnh đẹp, nhiều khu có tầm nhìn hướng ra biển nhưng đối mặt với nguy cơ cháy rừng lớn do nằm giữa các công viên tự nhiên lớn, với rất nhiều cây cỏ dễ cháy vào mùa khô. 

Gần đây, có nhiều cáo buộc các vụ cháy vài ngày qua có thể do “biến đổi khí hậu”. Tuy nhiên, đây là vùng đất có cháy rừng từ xa xưa, trước khi có việc con người tạo ra khí thải.

Los Angeles cũng thường xuyên có các cơn gió lớn như bão và tình trạng hạn hán kéo dài.

Trong những ngày vừa qua, gió lên tới 110km/h tại vùng núi thuộc Los Angeles và Ventura và suy yếu nhưng được dự báo sẽ mạnh trở lại trong ngày 14-15 và có thể đám cháy lan rộng hơn, thiệt hại nhiều hơn.

Theo NYT, thảm họa kéo dài 1 tuần qua có thể dẫn tới cuộc tháo chạy của các công ty bảo hiểm khỏi tiểu bang do tổn thất quá lớn và ngày càng gia tăng, khó kiểm soát. Theo đó, rất nhiều công ty bảo hiểm tại Nam California cạn kiệt nguồn dự trữ tài chính.

Việc các công ty bảo hiểm rời bỏ vùng đất xinh đẹp này có thể khiến mức phí bảo hiểm vốn cao càng thêm cao.

Một yếu tố khiến các công ty bảo hiểm rời bỏ California còn do gần đây nhiều hộ dân mua gói bảo hiểm mang tên Kế hoạch FAIR do Chính quyền Liên bang hậu thuẫn. Đây là gói bảo hiểm đắt hơn và được chi trả toàn diện nhất so với gói thương mại của các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, số lượng hộ dân mua gói này tăng mạnh và nếu không đủ tiền thanh toán, Kế hoạch FAIR sẽ thu tiền từ công ty bảo hiểm hoạt động tại California.

Một điều đáng lo ngại nữa là thị trường tài chính khu vực này sẽ chao đảo. Nếu không có bảo hiểm, ngân hàng không cấp thế chấp và hệ lụy là người dân không thể mua nhà. Bất động sản lao dốc. Vùng đất xinh đẹp có thể sẽ rất lâu mới được tái thiết.

Trước đó, California đã chứng kiến một số vụ cháy rừng lớn năm 2017-2018. Các vụ cháy này đã xóa sạch lợi nhuận tích lũy của nhiều công ty bảo hiểm trong vài thập kỷ.

Trong vài năm gần đây, tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm nhà ở bị hủy tại California tăng rất nhanh. Tại nhiều quận, tỷ lệ không gia hạn hợp đồng bảo hiểm cao nhất toàn nước Mỹ.

Hôm 12/1, chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chê các quan chức xử lý vụ cháy rừng ở khu vực Los Angeles khi nói họ là "bất tài". Đồng thời cáo buộc, Thống đốc California Gavin Newsom đã từ chối ký vào bản tuyên bố khôi phục nguồn nước, để cho phép hàng triệu lít nước từ mưa và tuyết tan dư thừa ở phía bắc, chảy hàng ngày vào nhiều khu vực của California... Thiếu nước khiến cho khả năng cứu hoả càng thêm khó. 

Một số ý kiến cũng cho rằng, California đã không đầu tư đủ kinh phí để dọn dẹp rừng, ngăn chặn nguy cơ cháy vào các khu dân cư.