Ngành da giày Việt Nam hiện có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước.
Theo Lefaso, trước khi rời EU, Anh đã là thị trường xuất khẩu chính của ngành da giày, tuy nhiên trong giai đoạn 2019-2020, xuất khẩu có sự suy giảm nhẹ, nhưng từ đó đến nay, xuất khẩu đã tăng trở lại khá ấn tượng. Giai đoạn dịch Covid-19 khó khăn, chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng xuất khẩu giày dép sang Anh vẫn tăng 6%, đặc biệt, năm 2023 khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều suy giảm, đặc biệt giảm sâu tại EU thì kim ngạch xuất sang Anh vẫn tăng khá, đạt khoảng 765 triệu USD.
Với mức thực hiện này, giày dép là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 3 sang Anh quốc và chiếm gần 13% tỷ trọng xuất khẩu, chỉ sau điện thoại các loại và linh kiện, đạt hơn 1,31 tỷ USD, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, đạt 1,03 tỷ USD.
Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu giày dép có tiềm năng lớn. Trước khi có UKVFTA, giày dép Việt Nam xuất khẩu sang Anh chịu mức thuế quan cao thứ 2 (6,7 %) trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh. Tuy nhiên, với UKVFTA, Việt Nam được cạnh tranh bình đẳng về thuế, nhưng khó so sánh về lợi thuế quy mô của hàng hoá Trung Quốc, hay khả năng thiết kế, mẫu mã và tính tương đồng về văn hóa và thị hiếu như Hà Lan, Italia, Bỉ, Đức…
Đáng chú ý, sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Anh cũng cam kết mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của các nước thành viên CPTPP khác.