- Tắc đường ở Hà Nội đang tái diễn và có thể còn tồi tệ hơn trong tương lai. Bên cạnh việc cải thiện hạ tầng, việc tăng cường tuần tra hướng dẫn thì ý thức của người tham gia giao thông có vai trò quan trọng.
Góc nhìn thẳng mời ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Uỷ ban An toàn Giao thông quốc gia để trao đổi về việc này.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, quan sát hành vi của người tham gia giao thông thì thấy hiện tượng phổ biến là đường tắc dài, trong khi hàng nghìn người nhẫn nại đi đúng làn thì cũng có không ít người, có vẻ như cư nghĩ mình là "anh hùng", ngang nhiên vượt sang làn bên kia khiến giao thông đã tắc lại càng thêm rối loạn.
Thậm chí, có những trường hợp còn ngang nhiên vi phạm Luật giao thông ngay tại trạm cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Người dân mạnh ai nấy đi, dẫn tới có ý kiến nói rằng, không còn khái niệm giao nhau giữa đường ưu tiên và không ưu tiên. Người tham gia giao thông ở đường ưu tiên mà không cẩn thận, nhường đường thì tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
TS Khuất Việt Hùng: Thực tế, đúng là có một bộ phận nhỏ, chứ không nói là không ít, những người tham gia giao thông còn thiếu ý thức, trong khi đa số người tham gia giao thông đều tuân thủ đi đúng làn đường của mình. Như chị nói, khi lưu lượng giao thông tăng lên, đa số người dân vẫn tuân thủ chỉ huy của lực lượng chức năng. Nhưng khi xuất hiện ùn tắc, đôi khi chỉ cần 1, hay 2 người thôi phá vỡ quy tắc giao thông, họ vượt, đi sang phần đường của người khác, của xe ngược chiều dẫn tới việc ách tắc giao thông và kể cả, ngay cả trước mặt lực lượng chức năng.
Lý so tại sao họ lại vi phạm ngay trước mặt lực lượng chức năng? Là vì trong thời gian cao điểm đó, lực lượng chức năng tập trung chủ yếu vào vấn đề hướng dẫn, tổ chức điều khiển giao thông sao cho êm thuận. Sẽ rất khó một cảnh sát giao thông dừng một xe nào đó, vì đôi khi, dừng lại một xe vi phạm sẽ dẫn tới ùn tắc. Một số người lợi dụng điểm này, họ vẫn ngang nhiên vi phạm.
Một giọt nước dẫn tới làm tràn ly. Khi lưu lượng giao thông tăng lên trong giờ cao điểm, chạm đến ngưỡng hoặc gần ngưỡng bằng với năng lực của kết cấu hạ tầng rồi thì chỉ cần một hành vi sai, sẽ dẫn tới ùn tắc giao thông.
Vấn đề này, chúng tôi rất muốn người dân tham gia giao thông, lưu ý điều này, tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn, hiệu lệnh và quy tắc giao thông.
Nhà báo Phạm Huyền: Như ông vừa nói, ngoài câu chuyện ý thức của người tham gia giao thông, chúng tôi ghi nhận có những tuyến đường nhỏ, thường xuyên ách tắc và đóng góp vào việc ách tắc đó, có những cơ sở kinh doanh vỉa hè lấn chiếm lòng đường rất nhiều.
Ví dụ như ở đường Đê La Thành, Hà Nội, các cửa hàng vật liệu xây dựng, nhiều khi chỉ cần một thanh thép thò ra là ách tắc đường càng trở nên trầm trọng hơn. Nhiều năm nay câu chuyện này không được cải thiện. Ông có suy nghĩ gì về việc này?
TS Khuất Việt Hùng: Tôi nhớ cách đây 12-13 năm, nói chuyện về nền kinh tế vỉa hè, hay khái quát, ta đang gặp một vấn đề không chỉ ở Hà Nội, Tp HCM, hay các nơi khác, là quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong đô thị và quản lý đấu nối vào đường quốc lộ. Làm sao, hoạt động sản xuất kinh doanh phải phù hợp với đặc trưng giao thông của tuyến đường đó. Những tuyến có lưu lượng lớn thì tuyệt đối không để hoạt động sản xuất kinh doanh lấn chiếm phần đường dành cho lưu thông, trong khi đó, vấn đề quản lý, kiểm soát, cấp giấy phép sản xuất kinh doanh trong nhiều năm ta không quan tâm.
Sẽ không có nước nào mà trong một tuyến đường trung tâm thành phố như Đê La Thành, Hà Nội có thể lại có việc người dân kinh doanh, thậm chí, chế tạo sản xuất những cấu kiện thép trong khu vực trung tâm như thế cả. Những hoạt động như vậy thông thường phải diễn ra trong khu công nghiệp.
Tôi cho rằng, để thay đổi vấn đề này, có một yêu cầu mà các thành phố nói chung, Hà Nội, TP.HCM nói riêng là cần phải khẩn trương quy hoạch việc thay đổi hoạt động sử dụng đất trên các tuyến phố phù hợp với điều kiện giao thông của tuyến phố đấy.
Nhà báo Phạm Huyền: Một trong những yếu tố trong việc kiểm soát ách tắc giao thông là vai trò của cơ quan chức năng, trong việc điều khiển tín hiệu đèn giao thông. Nhưng vừa qua ở Hà Nội, sau khi có cầu vượt, đường trên cao việc điều chỉnh tín hiệu giao thông vẫn chưa hợp lý. Ông đánh ra ra sao về những ý kiến này?
TS Khuất Việt Hùng: Chúng ta phải khẳng định, không chỉ ở Hà Nội mà hầu hết các địa phương ở Việt Nam, hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông của chúng ta vẫn hết sức đơn giản. Hệ thống thời gian cố định nên không điều chỉnh phù hợp với đặc trưng của lưu lượng. Ngay trên cùng một ngã tư thôi, buổi sáng thì chiều này đông, buổi chiều thì chiều kia ngược lại lại đông. Ở các quốc gia phát triển, người ta điều khiển tín hiệu giao thông phù hợp với thực tiễn dòng giao thông.
Theo tôi được biết, Hà Nội cũng như TP.HCM đang có dự án nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông theo hướng điều khiển theo lưu lượng giao thông thực tiễn.
Tôi tin là với việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện nâng cấp hệ thống tín hiệu đèn giao thông thì chúng ta sẽ khắc phục được bất cập này.
Xin cảm ơn ông!
VietNamNet