- Sau kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo.

Ngày 4/7, tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2016, trả lời VietNamNet về việc tiếp tục đổi mới kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, tới đây Bộ sẽ tổ chức các hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để quyết định phương thức tổ chức kỳ thi trong các năm tiếp theo. Các thông tin xã hội và báo chí phản ánh đều được Bộ ghi nhận và đưa ra phương án sớm nhất.

{keywords}
Thí sinh sau giờ làm bài môn Địa lý kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Lê Văn

Từ năm 2003 đã có nhiều đổi mới trong việc tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức riêng vào đầu tháng 6. Kỳ thi tuyển sinh được tổ chức theo phương thức thi "ba chung" (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi) được duy trì từ năm 2003 đến năm 2014.

Đến năm 2015, hai kỳ thi có tính chất quốc gia (do Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức), được gộp thành một kỳ thi với hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, với tên gọi kỳ thi THPT quốc gia.

Từ 4 đợt thi trước đây, giờ chỉ còn 1 kỳ thi và dùng kết quả để vừa xét tuyển tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH. Từ 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì năm 2015, năm 2016 đã nhân rộng tới mọi tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đến năm 2016, theo lời Thứ trưởng Bùi Văn Ga "là phép thử đánh giá năng lực tổ chức kỳ thi của các địa phương. Sự thành công của kỳ thi vừa qua cho thấy chúng ta có thể tổ chức được kỳ thi ở địa phương".

Thứ trưởng Ga cũng cho biết, đầu năm học tới, Bộ sẽ đưa ra phương án đổi mới kỳ thi THPT quốc gia. Các phương án sẽ được tính toán kỹ lưỡng.

Trước đó, khi đến kiểm tra công tác thi THPT quốc gia tại điểm thi Trường THPT An Phước (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) chiều 3/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng kỳ thi năm nay đã giảm được những bức xúc không đáng có về giao thông trong những ngày thi, sự vất vả của phụ huynh và thí sinh.

"Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết,  nghiên cứu đổi mới để kỳ thi vẫn đảm bảo nghiêm túc, khách quan nhưng tiếp tục giảm áp lực tăng hiệu quả, sao cho công tác thi thành nhẹ nhàng" - Bộ trưởng Nhạ cho biết.

Còn tại buổi giao ban thi đua của 5 thành phố trực thuộc trung ương diễn ra tại Hải Phòng ngày 25/6, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đại diện nêu đề xuất xem xét giao quyền chủ động trong kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương ở các khâu: tổ chức thi, chấm thi và xét công nhận tốt nghiệp; quy chế thi và đề thi sẽ do Bộ ban hành để đảm bảo thống nhất về giá trị bằng tốt nghiệp.

Hồi đầu tháng 6, khi làm việc với TP.HCM, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết đề xuất  giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là có cơ sở. Bộ sẽ lắng nghe các ý kiến về vấn đề này và hướng đến tinh thần chỉ giám sát chứ không làm thay.

Theo thăm dò ý kiến bạn đọc VietNamNet được cập nhật đến 17h chiều 8/7, có gần 14% đồng tình với phương án "Giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia", hơn 35% đồng ý "giao các sở GD-ĐT xét tốt nghiệp, tổ chức tuyển sinh ĐH theo phương thức "ba chung" và hơn 51% còn lại cho rằng nên "giao các sở GD-ĐT xét tốt nghiệp, trường đại học tự chủ tuyển sinh". Mời bạn đọc tiếp tục bình chọn phương án theo mẫu thăm dò ý kiến dưới đây.

  • Ban Giáo dục

Kiến nghị giao kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương

Trao đổi với VietNamNet, PGS. TS Nguyễn Xuân Trạch - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho rằng: Nếu giao việc thi tốt nghiệp cho các sở giáo dục và thi đại học cho các trường đại học tự tổ chức thì 2 kỳ thi này không còn mang tính chất quốc gia nữa.