- Nửa đêm gọi đưa hàng đến rồi “bỏ bom”, nhận hàng “quên” không trả tiền… là mánh lừa chuyên nghiệp của một số người mang danh “thượng đế”.

Đặt hàng cho vui miệng

Tranh thủ buôn bán vào giờ nghỉ nên hầu hết các “nhà buôn” công sở đều thực hiện giao dịch mua bán qua mạng hoặc điện thoại. Vì không “tiền trao cháo múc” nên chuyện khách đặt hàng “chắc như đinh đóng cột” rồi đổi ý không lấy xảy ra như cơm bữa.

Sẽ chỉ hơi ức chế nếu món hàng đó giá trị thấp, dễ bảo quản và dễ tiêu thụ. Nhưng nhiều “thượng đế” vui miệng đặt cả những món hàng đắt tiền, hàng ngắn hạn sử dụng rồi đổi ý không lấy khiến chủ hàng méo mặt xử lý hậu quả.

Chị Lê Thúy, nhân viên thiết kế của một công ty trên đường Kim Mã cũng tranh thủ giờ rảnh để buôn bán, cải thiện thu nhập. Chị bán món ăn tự làm, nông sản Tây Bắc – những thứ khó bảo quản. Thường thì khách đặt chị mới làm và nhập hàng về, hàng ngày nào phải xử lý trong ngày đó vì khó bảo quản.

{keywords}

Với những món hàng như đồ ăn, khách đặt hàng xong “bỏ bom”, chủ hàng chỉ còn nước bán tống bán tháo lỗ vốn hoặc tự “chén” (Trong ảnh là sản phẩm bánh tày của một chủ hàng bị khách “bỏ bom” sáng 12/1).

Để chắc chắn, những người bán online thường yêu cầu khách đặt cọc một phần tiền trước rồi mới lấy hàng về. Nhưng vì hàng không đáng giá là bao chỉ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn không bõ chuyển khoản nên chị chỉ đặt hàng miệng rồi thu tiền khi giao hàng. Khách hàng không có ràng buộc gì nên nhiều người đặt hàng cho vui miệng rồi “quên luôn”.

“Đi cả chục cây số giao hàng, đến gọi điện cho khách thì tắt máy, đã gặp đôi ba lần. Có người gọi điện lúc nửa đêm đặt, sáng lọ mọ dậy sớm làm hàng thì đến trưa khách gọi hủy không lấy nữa vì đi công tác. Có khách đặt hàng xong, mang đến nhà rồi mới mặc cả bảo ở chợ bán thấp hơn”, chị kể.

Chị bảo, ngoài khách hàng “ẩm ương”, còn nhiều khách hàng giả tìm cách phá chị. Chị bán online đã được hơn 2 năm, đã có lượng khách ổn định nên nhiều kẻ cạnh tranh thường chơi đểu bằng cách bán phá giá, cướp khách hoặc giả phản hồi chê hàng.

“Có người vào hẳn topic của mình quảng cáo hàng của họ bán rẻ hơn. Có người không mua nhưng cứ vào la toáng lên là sao giá cao thế. Mình có khách quen rồi, biết chất lượng sản phẩm rồi nên không sợ. Nhiều người mới bán cứ phải bán phá giá vì những đối tượng này, không có lãi đâu. Có người còn bị đối thủ chơi đểu bằng cách lấy số giả đặt hàng thật nhiều rồi không lấy, thế là phải bán tống bán tháo lỗ vốn hoặc cho bạn bè ăn hộ”, chị chia sẻ thêm.

Một dân buôn “tay ngang” khác xin được giấu tên cũng vừa nếm mùi bị khách bỏ bom. Chị bán bánh tày, khách gọi đặt hàng tối hôm trước, đến sáng hôm sau bánh làm xong thì gọi điện, nhắn tin không nghe máy. Chị ức quá, quyết định mang bánh ra “chén” hết vì chỉ bánh chỉ ngon khi ăn trong ngày.

Nhận hàng “quên” không trả tiền

Chị Nguyễn Ngọc Xuân (Đống Đa, Hà Nội) là phó giám đốc chi nhánh của một công ty du lịch lữ hành cũng bén duyên với kinh doanh từ tháng 10 năm 2013. Bận rộn với công việc ở công ty nhưng niềm yêu thích nấu ăn đã đưa chị đến với công việc tay trái – kinh doanh online.

Trong một lần nấu ăn thiện nguyện cho chương trình “Cơm có thịt”, món mắm tép chưng thịt của chị nhận được nhiều lời khen, thế là chị quyết định nhận đơn đặt hàng của mọi người. Mới bán hàng hơn một năm nhưng chị Xuân đã có hàng nghìn khách, mỗi tháng chị bán được hàng trăm hộp mắm tép chưng thịt (mỗi hộp có giá từ 160 đến 200 ngàn đồng).

Thu nhập của chị ở vị trí phó giám đốc rất ổn nên việc kinh doanh thêm của chị chỉ để thỏa mãn niềm đam mê với ẩm thực. Không quá coi trọng chuyện tiền nong nên chị Xuân không yêu cầu khách đặt cọc tiền trước. Vì tin tưởng khách nên đôi khi chị chuyển hàng cho khách rồi họ cũng “quên” luôn không trả tiền. Chị nhắc 1-2 lần vẫn không thấy “động tĩnh gì” nên đành biếu không họ.

{keywords}

Chị Ngọc Xuân bén duyên với buôn bán online từ sở trường và sở thích nấu nướng của mình.

“Cũng có vài trường hợp các bạn hỏi han giá cả rất kỹ lưỡng, đặt hàng nhưng vì lí do công tác đột xuất hoặc bận rộn không đến lấy hàng được rồi quên mất…”, chị chia sẻ.

Những ngày đông lạnh cận tết, đơn hàng ngày càng nhiều nên chị Xuân chỉ được ngủ 4-5 tiếng một ngày. Hàng ngày chị dành 1-1,5 tiếng buổi sáng và toàn bộ buổi tối cho việc làm thêm này. Sáng 6h30 đi chợ mua đồ, sơ chế rồi để tủ bảo quản. Tối về cơm nước xong là chị làm hàng đến tận 12 giờ khuya, có hôm đến 1-2 giờ sáng.

“Trộm vía hơn một năm làm hàng và hay đi ngủ muộn nhưng mình chua bị ốm bao giờ. Chắc là lao động nhưng tinh thần thoải mái, làm việc luôn cảm thấy phấn chấn nên dù thức khuya vẫn không buồn ngủ và không cảm thấy mệt mỏi. Sáng hôm sau dậy sớm vẫn thấy tinh thần sảng khoái, không uể oải dù buổi trưa cũng không ngủ trưa. Có lẽ sau khi hoàn thành công việc bao giờ mình cũng ngủ rất sâu và ngon giấc nên năng lượng được hồi phục nhanh”, chị chia sẻ.

{keywords}
Món mắm tép của chị Xuân

 Chị cho biết, ngày trước mới bắt đầu làm, thấy vợ vất vả lọ mọ trong bếp đến khuya, chồng chị cũng can ngăn. Nhưng dần dần anh và bố mẹ cũng cảm thấy vui lây với chị nên rảnh là hỗ trợ chị ngay. “Anh xã bảo đảo mắm tép nhiều bắp tay lại khỏe, không cần tập thể thao. Ngày nghỉ bố mẹ con cái cùng nhau vào bếp làm mắm tép chưng thịt, mỗi người một việc, khi nhìn thành quả thấy rất là vui…”, chị nói.

Kim Minh