- “Dù người phạm tội có thực hiện hành vi tày đình đến đâu thì họ vẫn có quyền mời luật sư bào chữa. Nếu họ không mời thì cơ quan điều tra phải chỉ định luật sư cho họ. Luật sư sẽ là người góp phần làm rõ sự thật khách quan vụ án, bảo vệ quyền lợi, bào chữa cho các bị can, bị cáo” – luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) nói về vấn đề này.
Những ngày qua, vụ thảm sát ở Bình Phước làm 6 người trong một gia đình chết thảm gây rúng động dư luận. Xung quanh vụ án có nhiều luồng dư luận. Trong đó, không ít ý kiến vì quá bàng hoàng, bức xúc trước tội ác nên đã không ngần ngại “kết tội” rồi “tuyên án” với hai nghi phạm Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê An Giang) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, Bình Phước).
Tuy nhiên, ngay khi khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã mời luật sư tham gia. Vậy luật sư có vai trò gì? Vì sao luật sư được mời tham dự quá trình điều tra trong thảm án trên?
Phạm tội tày trời vẫn được mời luật sư
Nhiệm vụ của cơ quan tố tụng là tìm ra các chứng cứ chứng minh, buộc tội bị cáo...chứ không đơn thuần dựa vào lời nhận tội. |
Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) cũng nêu rõ: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Do vậy, chúng ta không thể tùy tiện khi đưa ra những lời “kết tội” đối với mỗi bị can, bị cáo nói chung cũng như Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến nói riêng.
Ngoài quy định trên, pháp luật cũng quy định rõ về quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Theo đó, họ có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có nhiệm vụ bảo đảm cho những người này thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định.
Đặc biệt, trong trường hợp bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình như Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Văn Tiến thì dù họ không mời người bào chữa thì các cơ quan tố tụng có nghĩa vụ chỉ định luật sư bào chữa cho họ.
Như vậy, trong vụ thảm sát ở Bình Phước, việc đảm bảo cho Dương và Tiến có luật sư trong quá trình điều tra, lấy lời khai ngay sau khi khởi tố vụ án là đảm bảo quyền lợi của Dương, Tiến. Đó cũng là nghĩa vụ của cơ quan tố tụng. Đó là quyền con người, được Hiến định trong Hiến pháp năm 2013 của nước ta.
Không phải Dương nhận tội là đã xong
Khi bào chữa, luật sư được quyền tham gia từ giai đoạn người bị tình nghi bị tạm giữ hình sự cho đến các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, kể cả giai đoạn giám đốc thẩm.
Luật sư có vai trò quan trọng góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án, hạn chế oan sai.
Vai trò của luật sư trong vụ án, nhất là những vụ trọng án, phức tạp càng phải được đề cao |
Luật sư tham gia tố tụng trong mỗi vụ án thường bị coi là “thái cực đối đầu” của các cơ quan tố tụng. Bởi lẽ, họ là người tìm ra các tình tiết, chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo.
Trong khi đó, các cơ quan tố tụng có nghĩa vụ tìm ra các chứng cứ chứng minh, buộc tội bị cáo như động cơ, mục đích, mặt khách quan, chủ quan, khách thể, chủ thể của tội phạm...
Khi cơ quan tố tụng không đưa ra được các chứng cứ chứng minh tội phạm của bị can, bị cáo thì buộc phải tuyên họ vô tội. Bên cạnh đó, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội bị cáo.
Như vậy, không phải Dương và Tiến nhận tội nghĩa là các cơ quan tố tụng đã có đầy đủ chứng cứ kết tội bị cáo mà phải có nhiều chứng cứ khác. Luật sư tham gia vụ án sẽ cùng cơ quan tố tụng làm rõ sự thật khách quan vụ án này.
Vậy khi tham gia bào chữa cho Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trong vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước luật sư có vai trò, thực hiện những công việc gì?
Theo điều 58 BLTTHS thì luật sư có quyền có mặt khi Cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai của Dương và Tiến. Ngoài ra, nếu điều tra viên đồng ý thì luật sư cũng được hỏi Dương, Tiến; được có mặt trong những hoạt động điều tra khác. Luật sư cũng có quyền xem các biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, các quyết định tố tụng liên quan đến bị can, bị cáo. Các cơ quan tố tụng có nghĩa vụ tạo điều kiện để luật sư thực hiện “sứ mệnh” của mình theo quy định của pháp luật, nhằm hướng tới một nền tư pháp ngày càng tiến bộ.
Luật sư Nguyễn Văn Đức
(Công ty Luật Kinh Luân TP.HCM)