Một buổi livestream bán các sản phẩm chè trên địa bàn huyện Đại Từ. |
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG là DN may xuất khẩu hàng đầu của tỉnh, tích cực chuyển đổi số. TNG đã đầu tư, ứng dụng nhiều dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: Máy trải vải tự động, máy cắt tự động, máy lập trình...
Đối với công tác điều hành và quản trị, TNG đã nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm quản trị như ERP (quản trị nguồn lực doanh nghiệp), kho thông minh, đưa vào hoạt động Chi nhánh giải pháp công nghệ tre..., giúp việc quản lý kho, vật tư, nguyên phụ liệu trở nên dễ dàng, thuận tiện.
Chị Dương Thị Thanh, thủ kho nguyên liệu Chi nhánh TNG Phú Bình, cho biết: Trước đây, mọi công việc của kho (nhập hàng hoá, kiểm kê, báo cáo…) đa phần phải thực hiện thủ công hoặc bán tự động nên mất nhiều thời gian, tốn nhân công. Việc thực hiện nhập kho bằng hình thức quét mã QR qua app “Tre” trên máy tính bảng, điện thoại thông minh đã giúp thao tác trở nên dễ dàng, nhanh chóng.
Tương tự như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, nhiều DN, HTX của tỉnh đã không ngừng ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cụ thể như livestream bán hàng qua nền tảng mạng xã hội (Facebook, Tiktok…); đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 2.700 sản phẩm của các DN, HTX được cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. HTX Sản xuất và Thương mại dịch vụ Bản Việt hiện có 7 thành viên, kinh doanh ở 3 ngành nghề chính: Sản xuất, chế biến và kinh doanh cơm cháy có tên thương hiệu "Én vàng"; sản xuất, kinh doanh các loại bánh tươi; sản xuất kinh doanh thức ăn chế biến sẵn. Với mục tiêu không để đứt gãy chuỗi sản xuất, HTX đã linh hoạt tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử…
Chị Bùi Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất và thương mại dịch vụ Bản Việt, cho biết: Khác với phương thức bán hàng truyền thống tại các cửa hàng, siêu thị như trước đây, việc livestream bán hàng qua mạng xã hội giúp các HTX có thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm bất cứ thời gian nào, ở đâu. Từ đó, khách hàng biết, cảm nhận được quy trình và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, HTX thì dễ dàng tiếp cận được các khách hàng.
Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan ứng dụng bán vé xe buýt điện tử, tăng tiện lợi cho khách hàng. |
Việc ứng dụng số hóa trong sản xuất, kinh doanh đang được các DN triển khai ngày càng phổ biến, sâu rộng. Bên cạnh sự năng động, sáng tạo đổi mới của mỗi DN, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy đầu tư, ứng dụng chuyển đổi số.
Cụ thể, tỉnh đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. Trên cơ sở Nghị quyết này, các sở, ban, ngành triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ (quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng số; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh tại địa chỉ www.thainguyentrade.vn; thúc đẩy các DN công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp công nghệ thông tin...).
Tuy vậy, việc chuyển đổi số trong khối DN vẫn còn có những hạn chế nhất định như: nhiều DN còn chưa rõ việc thực hiện chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ đâu, nhất là các DN có tiềm lực tài chính và nhân lực hạn chế. Do đó, thời gian tới, ngành chức năng và các hiệp hội, hội DN trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ DN nắm bắt, tiếp cận các chính sách về chuyển đổi số; định hướng giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số; đẩy mạnh triển khai các nền tảng xã hội số bảo đảm tiện ích, an toàn và thông minh…
Theo Hoàng Cường (Báo Thái Nguyên)