Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình OCOP được xem là một trong những nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên.
Ngay từ đầu năm 2024, tỉnh đã triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Chương trình OCOP được triển khai thực hiện tại địa bàn các xã khu vực nông thôn trong toàn tỉnh. Năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 20 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; củng cố, nâng cấp, đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng theo nhu cầu của các chủ thể.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chương trình OCOP thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến cấp xã, xóm; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các Cổng thông tin điện tử (website OCOP Thái Nguyên, website nông thôn mới Thái Nguyên), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...), hệ thống loa truyền thanh,...; xây dựng pano, áp phích, khẩu hiệu về chương trình OCOP tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí viết bài tuyên truyền, xây dựng clip, phóng sự tuyên truyền về chương trình OCOP.
Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai chương trình OCOP cấp huyện, xã và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể OCOP về: chuyển đổi số; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; các kỹ năng về quản trị; marketing, bán hàng; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn; xúc tiến thương mại...
Tăng cường chuyển đổi số trong OCOP, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quá trình triển khai thực hiện. Số hóa quy trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên phần mềm; số hóa sản phẩm và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP. Đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online),...
Tính đến tháng 3/2024, Thái Nguyên đã có 240 sản phẩm OCOP (trong đó có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao). Các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Nhiều sản phẩm được thiết kế với mẫu mã đẹp mắt, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa. Các sản phẩm đã ngày càng được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin dùng và đánh giá cao về chất lượng, từng bước khẳng định giá trị, uy tín trên thị trường.