Trong bối cảnh dịch bệnh gia súc diễn biến phức tạp, để bảo vệ đàn vật nuôi, khống chế dịch bệnh, vai trò của mạng lưới thú y cơ sở rất quan trọng.

Tuy nhiên, từ ngày 1/4/2019, các huyện, thành, thị trong tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở sáp nhập Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông theo chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thủy sản cho biết: Mô hình sáp nhập mới, ngành Thú y chỉ còn 2 cấp là Trung ương và tỉnh, trong khi Luật Thú y quy định cần có 4 cấp, từ Trung ương đến cấp xã.

Do vậy, qua thực tiễn hoạt động, mô hình sáp nhập hệ thống thú y của tỉnh đã phát sinh một số bất cập về: Công tác giám sát, phát hiện và báo cáo dịch bệnh bị chậm; việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh không kịp thời; thiếu nhân lực chuyên môn thú y để tham mưu, tổ chức phòng dịch...

Trước thực trạng trên, Chi cục đã đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương kiện toàn lại hệ thống thú y nhằm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y.

UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu xây dựng Đề án kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 12-2021.

Ông Vinh cho biết thêm, từ năm 1998 đến tháng 4-2019, hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại Thái Nguyên được duy trì theo 3 cấp, gồm: Chi cục Thú y (từ ngày 12/4/2016 bổ sung nhiệm vụ chăn nuôi) trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Trạm Thú y các huyện, thành, thị trực thuộc Chi cục và mạng lưới thú y viên cơ sở do Trạm Thú y cấp huyện quản lý, hướng dẫn về chuyên môn.

Từ ngày 1/4/2019, toàn tỉnh thực hiện sáp nhập các Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông cấp huyện thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp.

Các Trung tâm này không có cơ chế, chính sách đối với mạng lưới thú y cơ sở. Do vậy, khi đến đợt tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi thường xảy ra tình trạng thiếu nhân lực, không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm bùng phát, lây lan dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn vật nuôi.

Chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực thú y cấp huyện được giao cho phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế các huyện, thành, thị.

Tuy nhiên, cán bộ có chuyên môn về lĩnh vực này còn ít, công việc kiêm nhiệm nhiều nên công tác tham mưu chuyên sâu về lĩnh vực thú y, chăn nuôi còn hạn chế.

Đối với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp có cán bộ chuyên môn nhưng lại không có chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực này nên cũng khó thực hiện các nhiệm vụ về công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y…

Minh Phúc