Đồng thời, Cục đã kiện toàn Tổ công tác về thương mại điện tử (TMĐT) nhằm hỗ trợ công tác quản lý thị trường trong TMĐT trên phạm vi toàn tỉnh; nắm bắt tình hình, tham mưu cho lãnh đạo Cục trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh trên không gian mạng nhằm lành mạnh hoá hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh.

Kể từ khi được thành lập, Tổ công tác đã hỗ trợ đắc lực cho Cục QLTT triển khai thực hiện việc xây dựng, đề xuất các giải pháp, phương án, kế hoạch đấu tranh; tăng cường tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý có hoạt động kinh doanh thương mại thông qua các website bán hàng của các doanh nghiệp, sàn TMĐT, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…).

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện kiểm tra 33 vụ, xử lý 32 vụ vi phạm TMĐT. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước (gần 400 triệu đồng) và trị giá hàng hóa vi phạm đạt gần 750 triệu đồng.

Trong quá trình kiểm tra, các Đội QLTT trực thuộc đã kết hợp thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động TMĐT;

Thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông xây dựng các phóng sự, tuyên truyền và thông tin các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, qua đó kịp thời nâng cao nhận thức cho tổ chức cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng;

Tổ chức ký cam kết không kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn sử dụng.

Cùng với đó, Cục QLTT thường xuyên cử công chức tham dự tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên nhiều lĩnh vực cho kiểm soát viên trong lực lượng; phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VACIP) tổ chức Hội thảo phân biệt hàng thật, hàng giả năm 2024.

B11_A1_Che Thai Nguyen.jpg
Chè Thái Nguyên là một trong những đặc sản được bán online phổ biến. Ảnh minh họa

Tiến tới đưa vào sử dụng các công nghệ hiện đại

Trong thời gian tới, Cục QLTT tỉnh định hướng sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ và đồng bộ như tăng cường công tác quản lý địa bàn, rà soát, kiểm tra trong hoạt động TMĐT, tập trung vào đối tượng kinh doanh trên nền tảng trang mạng xã hội; Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Cùng với đó, Cục cũng sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của họ trong giao dịch trực tuyến. Các chương trình đào tạo và tuyên truyền sẽ được triển khai nhằm trang bị cho các bên liên quan kiến thức cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình.

Đồng thời, Cục cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bổ sung kiến thức nghiệp vụ trong lĩnh vực TMĐT cho công chức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng kiểm tra xử lý vi phạm hành chính để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Tận dụng những thành quả của công nghệ giai đoạn hiện nay, Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến tới đưa vào sử dụng các các công nghệ hiện đại trong phân tích dữ liệu để theo dõi và cập nhật các xu hướng thị trường, từ đó đưa ra những cảnh báo sớm về các hoạt động gian lận, lừa đảo. 

Những biện pháp toàn diện này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng.