Tin từ Cổng Thông tin điện tử UBND Thái Nguyên: Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Đề án 06 cho thấy, Đề án đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Nguyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, đạt nhiều kết quả tích cực; các sở, ngành, địa phương đã từng bước có nhận thức đúng về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của Đề án 06, lợi ích của việc chuyển đổi, số hóa các thủ tục hành chính... góp phần cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đồng bộ, hiệu quả.
Nổi bật, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 10/02/2023 để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh năm 2023. Kế hoạch đã xác định 19 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2023, gắn với trách nhiệm, thời gian hoàn thành nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị có liên quan.
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành trên 30 Văn bản để chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 theo Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là Chỉ thị số 05. Tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh theo Quyết định số 628/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh với 25 thành viên (đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Tổ trưởng Tổ công tác; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh là Tổ phó Thường trực Tổ công tác); chỉ đạo kiện toàn, duy trì hoạt động hiệu quả của Tổ công tác triển khai Đề án 06 tại 09/09 huyện, thành phố, 177/177 đơn vị cấp xã (giảm 01 xã so với năm 2022 do sáp nhập địa giới hành chính); 2.245/2.245 Tổ công tác tại các Tổ dân phố, thôn, xóm.
Ngày 27/4/2023, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-TCTTKĐA về triển khai thực hiện 06 mô hình điểm Đề án. Kế hoạch đã cụ thể hóa và giao 16 nhiệm vụ với lộ trình hoàn thành để các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện.
Các thành viên tổ công tác luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả, đảm bảo đúng tiến độ theo lộ trình đề ra.
Đối với các nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ phát triển công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái, phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư... đã đạt nhiều kết quả nổi bật, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Về dịch vụ công: Đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công của Bộ Công an; thực hiện được 12/14 dịch vụ công của các bộ, ngành. Đến nay, hệ thống trang thiết bị, đường truyền phục vụ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 tại bộ phận một cửa tỉnh và cấp huyện đã bảo đảm đáp ứng yêu cầu theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hoàn thành xây dựng “Phần mềm số hóa và quản lý kết quả giải quyết thủ tục hành chính”, hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, kết quả trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); tính đến thời điểm báo cáo đã cấp gần 8.000 chữ ký số cá nhân chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan nhà nước của tỉnh, trong đó 100% cán bộ, lãnh đạo, công chức, viên chức tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết TTHC được cấp và hướng dẫn sử dụng chữ ký số, 100% hồ sơ, dữ liệu đầu vào được số hóa, ký số và được cập nhật lên hệ thống.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Thái Nguyên đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo hiển thị đủ 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện TTHC, đáp ứng theo hướng dẫn tại Văn bản số 761/VPCP-KSTT ngày 29/01/2022 của Chính phủ.
Thống kê mức độ sử dụng các loại Dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn: đã tiếp nhận 339.981 hồ sơ; đã xử lý xong 339.287 hồ sơ (trong đó xử lý đúng hạn 338.202 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,68%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 78%.
Với nhóm tiện ích phát triển kinh tế- xã hội: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh báo cáo Hội sở chính cho phép chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, triển khai thử nghiệm giải pháp rút tiền tại cây ATM bằng thẻ CCCD.
Chỉ đạo các Tổ chức tín dụng: Mở tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, đồng thời có chính sách miễn, giảm phí khởi tạo tài khoản, phí giao dịch chuyển tiền, phí SMS… cho các đối tượng trên; mở tài khoản thanh toán đối với phụ huynh, học sinh, sinh viên (số lượng phụ huynh học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục sử dụng hình thức thanh toán điện tử là 266.231 người, đạt tỷ lệ 97% tổng số phụ huynh, học sinh, học viên).
Với nền tảng CCCD gắn chip đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật, cụ thể, đã có 222/222 cơ sở khám chữa bệnh BHYT triển khai thực hiện sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT. Số CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh là 1.167.227/1.189.968 (đạt tỷ lệ 98,1%); 11/11 cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện cấp Giấy khám sức khỏe lái xe đã liên thông dữ liệu qua hạ tầng bảo hiểm xã hội; trong 6 tháng đầu năm đã cấp 7.247 dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe.
Với vai trò Thường trực triển khai thực hiện Đề án 06 tại các cấp, lực lượng Công an đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, triển khai đầy đủ, kịp thời những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP.
Thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan (Y tế, Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông…) để triển khai đầy đủ các nhiệm vụ của Đề án. Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng Công an toàn tỉnh đã thu nhận 84.764 hồ sơ cấp CCCD gắn chip, đến ngày 27/5/2023, đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chíp cho những người đủ điều kiện trên địa bàn (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ Công an); đã kích hoạt thành công 555.052 tài khoản định danh điện tử.
Nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành chủ động làm sạch dữ liệu theo đúng chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP đã được ban hành. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai, áp dụng các phương thức khai thác, sử dụng thông tin công dân trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử hoặc trong CSDLQG về DC thay thế cho việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến từ ngày 01/01/2023.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên nền tảng số, mạng xã hội như: zalo, facebook, C-ThaiNguyen, Thái Nguyên ID… về những kết quả thực hiện Đề án như: Tuyên truyền đăng ký tài khoản định danh điện tử; cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp; các dịch vụ công trực tuyến…
Cụ thể: Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở các chuyên mục tuyên truyền về “Chuyển đổi số” với tần suất 4 số/tháng; chuyên mục “Hành trình cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh”; chuyên mục “Hội nhập quốc tế”… Đã xây dựng, phát sóng 156 chuyên mục với trên 1.560 phút phát sóng truyền hình và 1.500 phút phát sóng phát thanh về Đề án 06; phát sóng 52 tin, 19 phóng sự, 02 tọa đàm, 08 phản ánh về Đề án 06 trên các chương trình thời sự…
Đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án 06 trong các chương trình thời sự bằng cả tiếng Việt và các tiếng dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Tày... Với những nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng như trên đã góp phần tạo được sự lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về Đề án 06.
6 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 tại địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và các nội dung đã xác định trong năm 2023.
Tin tưởng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 sẽ được triển khai thành công và hiệu quả hơn nữa.