Để Chương trình xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, tỉnh Thái Nguyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nội dung của chương trình tại các địa phương trong toàn tỉnh.
Theo kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành, mỗi năm tỉnh tổ chức từ 2 - 3 đợt kiểm tra, mỗi đợt từ 3 - 5 đơn vị đối với 3 cấp tỉnh, huyện, xã.
Hằng năm, tỉnh tổ chức đánh giá kết quả xây dựng chính sách quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; công tác điều phối, phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện. Tình hình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn vốn. Mức độ đạt được kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ so với kế hoạch hằng năm…
Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên ước tính có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Đại Từ và huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 118/126 xã, đạt 93,65%; 6/9 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,67%.
Trong thực hiện giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 10/2023, nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 62%, vốn ngân sách tỉnh đạt trên 60%. Ba huyện Phú Bình, Võ Nhai, Đồng Hỷ và thành phố Thái Nguyên có tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 80%.
Đối với việc thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), hiện trên địa bàn tỉnh có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, trong đó sản phẩm từ chè là 121, chiếm 70%. Thông qua chương trình, giá trị kinh tế của các sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP được nâng lên, doanh số bán hàng của các đơn vị có sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao tăng từ 20 - 50%. Nổi bật là sản phẩm miến của Hợp tác xã miến Việt Cường, sản phẩm chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, Hợp tác xã Sơn Dung trà…
Việc triển khai Chương trình OCOP tại Thái Nguyên thời gian qua tập trung vào việc thực hiện hỗ trợ dự án liên kết phát triển sản xuất, phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống trong xây dựng nông thôn mới, tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự...
Qua đó, 5 dự án cấp tỉnh đã được phê duyệt thực hiện hỗ trợ dự án liên kết phát triển sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước 10 tỷ đồng. Huyện Đại Từ đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng tại xã La Bằng. Hầu hết các xã đều triển khai xây dựng “Xã đạt chuẩn an toàn về an ninh, trật tự xã hội và đảm bảo bình yên” theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Trong giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới với việc 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã duy trì sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, chữ ký số được triển khai đến toàn bộ các cơ quan nhà nước.
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử trên các nền tảng số, tổ chức tập huấn, khuyến khích các chủ thể OCOP đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội và các trang thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm OCOP trên các sàn giao dịch điện tử như: C-Thái Nguyên, Viettel, VinaPost, Voso, Sendo...
Thái Nguyên cũng triển khai thực hiện mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương; lựa chọn một số xã trên địa bàn hỗ trợ lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh kết hợp phần mềm hỗ trợ giám sát thông minh, ứng dụng tương tác và xử lý phản ảnh về an ninh trật tự của người dân cho chính quyền xã, lắp đặt thiết bị chiếu sáng thông minh để làm mẫu nhân rộng...
Thời gian tới, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, các cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.
Đồng thời xác định mức độ đạt được theo tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể của các địa phương theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới hoặc tiêu chí đánh giá quy định của Nhà nước tại một thời điểm nhất định…
Tỉnh cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các địa phương duy trì, nâng cao tiêu chí hướng đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo đúng lộ trình đề ra.