Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc khiến hàng chục nghìn con mắc và phải tiến hành tiêu hủy. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai công tác tiêm phòng vắc xin, bảo vệ đàn vật nuôi và thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch của Bộ NN&PTNT.
Huyện Võ Nhai hoàn thành công tác tiêm phòng cho gia súc. |
Huyện Võ Nhai hiện có trên 4,7 nghìn con trâu, gần 3,7 nghìn con bò, hơn 20 nghìn con lợn. Năm 2020, huyện từng xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng tại xã La Hiên nên công tác phòng ngừa dịch bệnh càng được chú trọng.
Thực hiện chỉ đạo của ngành NN&PTNT, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã triển khai tiêm phòng vắc xin đợt 2/2021 cho đàn vật nuôi trên địa bàn từ ngày 10/9. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện đạt 85% kế hoạch và dự kiến sẽ hoàn thành 100% kế hoạch vào ngày 10/10/2021.
Trong đợt này, huyện thực hiện tiêm trên 2 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng; 1,3 nghìn liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục; 2,5 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng ở trâu, bò; 3,25 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tả; gần 2,9 nghìn liều vắc xin phòng bệnh tụ dấu… Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã cấp 120kg vibazon và 800 lít hóa chất cho các xã, thị trấn để khử trùng, tiêu độc.
Ngoài tiêm phòng, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường thông tin tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về đặc điểm, tính chất, tác hại và biện pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng để người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc nâng cao nhận thức và tích cực chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh. Trường hợp xuất hiện ổ dịch sẽ tiến hành tiêm bao vây ổ dịch nhằm tạo hàng rào miễn dịch, phòng tránh bùng phát lây lan ra diện rộng.
Cán bộ thú y cơ sở tiếp tục hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh khử trùng chuồng trại và môi trường chăn nuôi bằng vôi bột và hóa chất tại hộ chăn nuôi, khu vực buôn bán, nơi giết mổ gia súc. Cấm mọi hình thức giết mổ, buốn bán chạy, vận chuyển gia súc bị bệnh dịch ra, vào vùng dịch. Cấm mọi hình thức vứt xác động vật chết ra sống suối gây ô nhiễm môi trường phát tán, lây lan dịch bệnh ra diện rộng...
UBDN huyện giao cho UBND cấp xã thực hiện cam kết “5 không” trong phòng, chống dịch (Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; Không vứt xác lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt). Cơ quan chức năng chuẩn bị đầy đủ kinh phí, vật tư, dụng cụ, bảo hộ phục vụ công tác phòng chống dịch và thực hiện việc hỗ trợ thiệt hại cho các hộ chăn nuôi có lợn tiêu huỷ theo quy định.
Thúy Tình