Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang có xu hướng diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh, các ngành chức năng của huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã và đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn.
Huyện Đồng Hỷ triển khai tiêm hơn 140 nghìn liều vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. |
Theo thống kê, huyện Đồng Hỷ hiện có 4.200 con trâu, 2.800 con bò, trên 39.000 con lợn. Những năm gần đây, việc phát triển chăn nuôi gia súc đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Hiện tại, chăn nuôi chiếm gần 40% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi luôn được địa phương và người chăn nuôi đặc biệt quan tâm.
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, huyện triển khai tiêm phòng đợt 2/2021 cho đàn gia súc trên địa bàn.
Để đảm bảo kế hoạch tiêm phòng trên đàn vật nuôi đúng thời gian, kế hoạch đã đề ra, trước đó, cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn rà soát, thống kê số lượng vật nuôi trên địa bàn để chủ động cấp vắc xin. Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng các loại vắc xin cho lực lượng thú y xã, thị trấn; tuyên truyền về kế hoạch tiêm phòng để bà con được biết…
Trong đợt 2 này, huyện thực hiện tiêm trên 143.000 liều vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi, gồm trên 4.000 liều vắc xin tụ huyết trùng, gần 13.000 liều vắc xin tụ dấu lợn, 14.480 liều vắc xin dịch tả lợn, gần 13.000 liều vắc xin lở mồm long móng...
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp 590 lít hóa chất iodine, 150kg hóa chất vibazone cho các địa phương để phun khử trùng tiêu độc tại những vị trí có nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Theo kế hoạch, huyện Đồng Hỷ sẽ kết thúc tiêm phòng đợt 2 cho đàn vật nuôi đợt đến hết ngày 10/10.
Năm nay, người chăn nuôi trên địa bàn vẫn được tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi, với mức hỗ trợ từ 50-100% tùy loại vắc xin, tổng kinh phí hỗ trợ trên 500 triệu đồng…
Ngay sau khi tiêm phòng, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và thực hiện tiêm vét vắc xin cho đàn gia súc. Ở những xã có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp; đồng thời tuyên truyền, vận động người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiến hành tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh, góp phần bảo vệ đàn vật nuôi phát triển bền vững.
Thúy Tình