Thực hiện các nhiệm vụ Chuyển đổi số lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT theo Chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo giai đoạn năm 2021-2023, đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc Sở quyết liệt tham gia vào chương trình chuyển đổi số và yêu cầu các đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, điều kiện thực tiễn của đơn vị xây dựng Kế hoạch, xác định cụ thể nội dung công việc và thời gian để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số của đơn vị.
Trong đó, tập trung vào các nội dung tại các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT về chuyển đổi số, tăng cường nắm bắt thông tin, tiếp cận các xu hướng mới về phát triển nông nghiệp và chuyển đổi số trong nông nghiệp của Việt Nam và thế giới để chủ động trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống thông tin ngành nông nghiệp và PTNT. Hệ thống thông tin ngành được đặt tại Ứng dụng số C-Thái Nguyên, thường xuyên được cập nhật các chính sách, pháp luật trong nông nghiệp, nông thôn; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; hoạt động sản xuất nông nghiệp, thông tin về môi trường, thời tiết, cảnh báo sâu, bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi; cung cấp các tài liệu phổ biến, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ; chu trình thực hiện sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới…
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT còn triển khai xây dựng phần mềm Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên với mục tiêu ứng dụng công nghệ số để quản lý quá trình sản xuất, chế biến; truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên. Số hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi theo tiêu chuẩn GAP, VIETGAP, hữu cơ, thông báo, hướng dẫn, nhắc nhở người dân.
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Thái Nguyên đã triển khai sử dụng các ứng dụng các phần mềm chuyên ngành phục vụ cho các hoạt động lâm nghiệp như: Phần mềm theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FRMS), Hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm (FireWatch Việt Nam), Phần mềm cơ sở dữ liệu mùa vụ trồng rừng (số liệu mùa vụ trồng rừng với các loài cây trồng rừng chủ yếu, thông tin về một số loài sâu bệnh hại đối với cây trồng, dự báo thời tiết và các khuyến cáo, thông tin hoạt động về phát triển rừng của các địa phương), Phần mềm quản lý cơ sở nuôi động vật hoang dã (CWFM) với 286 cơ sở nuôi, 50 loài nuôi, 28.646 cá thể.
Trong lĩnh vực thủy lợi, tỉnh sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Thủy lợi Việt Nam (thuyloivietnam.vn). Phát triển hệ thống thông tin cảnh báo sớm thiên tai tích hợp thông số tại các trạm đo mưa tự động và hệ thống camera trực tuyến giám sát mực nước tại các điểm xung yếu phục vụ quản lý một số hồ, đập thủy lợi, đê bao, lưu vực sông trên địa bàn tỉnh,…
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi triển khai lắp đặt 29 trạm đo mưa tự động và 06 hệ thống camera trực tuyến giám sát tại một số tuyến đê, lưu vực sông, điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Thái Nguyên.
Trong lĩnh vực chăn nuôi thú y và thủy sản, tỉnh triển khai sử dụng, cập nhật phần mềm cơ sở dữ liệu Chăn nuôi do Cục Chăn nuôi xây dựng và triển khai, trong đó tập trung quản lý các cơ sở chăn nuôi, hiện tại đã có 20.203 cơ sở chăn nuôi đã cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu.
Đẩy mạnh ứng dụng một phần hoặc toàn phần công nghệ thông tin trong việc quản lý trang trại và chăm sóc vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã tại huyện: Phú Bình, Đại Từ, Định Hoá,…
Triển khai đồng bộ “Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật trực tuyến” (VAHIS) nhằm theo dõi và cảnh báo sớm dịch bệnh động vật giúp quản lý, khống chế dịch bệnh, giảm lây lan dịch bệnh và góp phần thiết lập vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.