Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được đánh giá mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, khiến diện mạo nông thôn có những thay đổi tích cực. Trong đó, việc linh hoạt ứng dụng chuyển đổi số đã tạo ra những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới.
Điển hình như ở huyện Phú Lương, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
100% các xã đã có cáp quang đến trung tâm. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 99,53%. Người dân chủ động tham gia vào các loại hình dịch vụ của xã hội số, từng bước hình thành văn hóa trên môi trường số.
Việc xây dựng chính quyền điện tử, mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của huyện ở mức khá. Tỷ lệ UBND cấp xã có điểm cầu trực tuyến đạt 100%.
Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 11/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã Tức Tranh đạt nông thôn mới nâng cao; toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP (4 sản phẩm 4 sao, 7 sản phẩm 3 sao).
Theo thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 109/137 xã về đích nông thôn mới; 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thái Nguyên cũng đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 63 xóm được UBND cấp huyện công nhận đạt xóm nông thôn mới kiểu mẫu.
Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số. Ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% các địa phương, đơn vị quản lý điều hành trên môi trường điện tử.
Tỉnh hướng đến phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn với ít nhất 70% xã có hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
Về xã hội số trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 40% đơn vị cấp xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa…) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.
Ngoài ra, Thái Nguyên cũng phấn đấu có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa, y tế, giáo dục, an ninh trật tự…).
Để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể như tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo tập huấn kiến thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới…
Vũ Quang