Đầu năm 2003, Việt Nam là 1/32 quốc gia và vùng lãnh thổ bị dịch SARS xâm nhập. Tại Việt Nam dịch chỉ tồn tại 45 ngày sau đó được khống chế với chỉ 63 người mắc. Mặc dù, số bệnh nhân nhiễm SARS toàn cầu chỉ là 8.098 người với tỉ lệ tử vong chỉ chưa đến 10% (774 người), nhưng là nỗi kinh hoàng thời đó và vẫn còn ám ảnh để đến tận bây giờ thế giới vẫn cảnh giác cao độ.

Coronavirus được coi là không nguy hiểm bằng SARS nhưng tốc độ lây lan nếu theo cấp số nhân và không khống chế được thì chỉ trong thời gian ngắn sẽ có hàng triệu người mắc. Khi số lượng người mắc quá lớn thì chăm sóc y tế là bất khả thi. Trong quá khứ, nhân loại đã chứng kiến những trận dịch cướp đi hàng triệu nhân mạng khi từng cá nhân không có được sự cứu giúp y tế như hiện nay.

{keywords}

Thực tế, tỉ lệ tử vong không đủ phản ánh mức độ nguy hiểm của bệnh dịch khi có sự nỗ lực cứu chữa. Đối mặt với SARS hay coronavirus ở tuyến đầu vẫn là đội ngũ các thầy thuốc. Họ vẫn là những người chịu nguy hiểm nhất khi bệnh dịch xảy ra. Thế giới đã từng chứng kiến đội ngũ thầy thuốc dũng cảm lao vào tâm dịch SARS, Ebola và bây giờ là coronavirus. Nếu không có cứu chữa, nhiều virus nhỏ bé đủ sức giết chết hầu hết những người mắc phải.

Trung Quốc từ một ổ dịch ở Vũ Hán, mặc dù họ đã có nỗ lực phi thường khi phong tỏa cả một thành phố, nhưng bệnh dịch vẫn lan ra khắp cả nước. Việt Nam đến hôm nay đã công bố có 03 công dân của mình mắc bệnh, nếu tốc độ lây nhiễm mỗi ngày tăng 1,5 lần như bên TQ, thì chỉ sau 2 tuần sẽ có một nghìn người nhiễm. Ta có thể tự tin với kinh nghiệm chống SARS năm 2003, nhưng với số lượng người nhiễm bệnh quá lớn so với khả năng huy động của ngành y thì vẫn có thể vỡ trận.

Nước Trung Quốc khổng lồ và cho đến nay mới khoảng 8 nghìn người nhiễm coronavirus, chưa phải là quá lớn nhưng đội ngũ y tế của Vũ Hán đã đang phải gồng mình chịu đựng. Thầy thuốc là nơi người bệnh cậy nhờ, nhưng họ lại đang nguy hiểm. Cách tự cứu mình là đừng để họ phải rơi vào trạng thái bất lực. Việc quá lo lắng là không cần thiết, nhưng sự cẩn thận phòng tránh của mỗi người là tự giúp mình, giúp người khác và giúp các thầy thuốc trong những lúc khó khăn.

Thái độ xem thường bằng viết bài với giọng chỉ trích người khác lo lắng cẩn thận quá về bệnh dịch, hoặc nịnh ngầm ngành y (giỏi), hoặc bênh các quyết định đối phó bệnh dịch không kịp thời lúc này là không phải lối. Sự bất cẩn của mỗi người đều tạo gánh nặng cho người khác và cho ngành y. Mùa lễ hội thường tưng bừng mỗi năm sau Tết, lúc này là cơ hội để bệnh dịch lây lan. Về mặt văn hóa, những mặt trái của lễ hội cũng đang hủy hoại tâm hồn người Việt như một bệnh mạn tính. Năm nay với bệnh dịch virus đang bùng nổ cũng nên nhân đó mà cai được rồi.

Ngô Văn Tuyển, Anh Dũng, Thành Huế

VIỆT NAM CÓ THÊM 3 CA NHIỄM nCoV

Đến 15h20 phút chiều ngày 30/1/2020, các mẫu xét nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho kết quả thêm 03 ca nhiễm nCoV dương tính.

Đây đều là các công dân Việt Nam, trở về từ Vũ Hán.

01 ca đang được cách ly và điều trị tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa.

02 trường hợp còn lại đang cách ly và điều trị tại cơ sở 2 của Bệnh viện Nhiệt đới trung ương tại Kim Chung và cơ sở 1 tại đường Giải phóng (Hà Nội).

Những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân này đang được cách ly và theo dõi.

Cả 03 bệnh nhân đều có chung tiền sử dịch tễ: Họ cùng 5 người Việt Nam khác được Công ty TNHH Nihon Plast của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc cách đây 02 tháng và cùng trở về Việt Nam ngày 17/01/2020 trên chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China.