Những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Đến năm 2019, toàn tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở cả cấp huyện và cấp xã. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch. Kinh tế nông thôn có bước phát triển mới; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ.

{keywords}
Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. 

Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố vững chắc. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Người dân nông thôn ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, công tác xây dựng nông thôn mới vẫn còn tồn tại hạn chế nhất định.

Những năm tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực, trong nước, trong tỉnh tiếp tục có những thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức đan xen. Đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài, tác động đến mọi mặt kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp tục giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ổn định, bền vững của toàn xã hội.

Để phát huy các thành quả, kinh nghiệm đã có, tranh thủ các thời cơ, thuận lợi mới, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 25/2021/NQ-QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, ngày 4/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, coi trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, xuyên suốt với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, xây dựng nông thôn mới phải gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, gắn kết hài hòa nông thôn với đô thị….

Kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp then chốt bao gồm:

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, hình thành động lực mới, quyết tâm mới.

Giữ vững và hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được trong giai đoạn 2016 – 2020, phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu khi có điều kiện.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn theo hướng thực chất, bền vững.

Tiếp tục quan tâm, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, quân sự địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao hiệu lưc quản lý của chính quyền cấp xã và sự tham gia tích cực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Minh Phúc