Sau khi tỉnh Thái Bình đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu bị tác động không nhỏ bởi diễn biến của đại dịch Covid-19 kéo dài trong hơn ba năm. Nhưng trong gần đây, phong trào đã khởi sắc trở lại với một loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh được ban hành và đi vào thực tiễn, nhất là trên lĩnh vực phát triển sản xuất.

Có thể kể đến việc hỗ trợ cho nông dân mua hơn 600 máy cấy các loại và bốn lò sấy với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng. Hay như cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất cho các hợp tác xã, trong đó có hỗ trợ đầu tư hạ tầng, máy móc; hỗ trợ làm tem nhãn sản phẩm... Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, tỉnh Thái Bình còn hỗ trợ “Thắp sáng đường quê” tại các tuyến đường trục xã, trục thôn qua khu dân cư. Theo đó, tuyến đường trục xã được hỗ trợ 25 triệu đồng/km, đường trục thôn hỗ trợ 20 triệu đồng/km.

W-ntmthaibinh.png

Thông qua chủ trương này, đã có hơn 130 xã đăng ký với hơn 1.200 km góp phần thay đổi hẳn diện mạo nông thôn, giải quyết được vấn đề an toàn giao thông, nhất là về ban đêm cũng như bảo đảm an ninh trật tự. Trong tổng số hơn 620 tỷ đồng Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nông thôn mới giai đoạn này, Thái Bình đã dành phần lớn kinh phí để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất. Điển hình là việc tập trung xây dựng vùng sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn, tỉnh hỗ trợ giao thông nội đồng, thủy lợi nội đồng, cấp mã vùng trồng và xây dựng hạ tầng để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp.

Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương đã ban hành bộ tiêu chí mới trong xây dựng NTM ở các cấp độ với nhiều yêu cầu cao hơn. Với đa phần các xã đã có kế hoạch về đích, đó chính là thách thức, cần thêm lộ trình. Trước thực trạng nhiều địa phương “kêu khó”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình theo tinh thần xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương được triển khai, tỉnh đã có nhiều văn bản mang tính định hướng, đồng thời có nghị quyết thông qua phương án phân bổ vốn thực hiện chương trình, có cơ chế, chính sách hỗ trợ vừa trực tiếp vừa gián tiếp cho xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu như: Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 ban hành một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2025; Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND, ngày 12/7/2023 quy định mức thưởng cho các xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2019 - 2022...

Ở giai đoạn sau này, tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu toàn diện, bền vững, hài hòa với phát triển đô thị, người dân nông thôn có môi trường sống tốt đẹp, dần được tiếp cận, hưởng thụ các dịch vụ như các đô thị; phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện thành công những mục tiêu cơ bản của Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII; huy động được sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và đặc biệt là sự hưởng ứng rộng khắp của cộng đồng dân cư nông thôn. Tạo sự chuyển biến căn bản từ tư duy, nhận thức cho đến năng lực và hành động của đội ngũ cán bộ các cấp, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân để cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng NTM.

Những nỗ lực của Thái Bình đã "đơm hoa kết trái". Đến nay, toàn tỉnh có 26 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 8 xã đã được đoàn đánh giá, xác nhận mức độ đạt chuẩn đối với các nội dung, tiêu chí xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 cấp tỉnh đánh giá, xác nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã được đánh giá, xác nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh xét công nhận.