Rừng ngập mặn ven biển có chức năng phòng hộ chống xói mòn, duy trì cân bằng hệ sinh thái, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguồn giống động thực vật và an ninh quốc phòng ven biển. Chính vì thế, công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn luôn là một trong những vấn đề được UBND tỉnh Thái Bình đặc biệt quan tâm.
Diện tích rừng ở tỉnh Thái Bình được phân chia thành 2 vùng chính là rừng trồng ven biển tại huyện Tiền Hải và huyện Thái Thụy. Hệ thống rừng ven biển của tỉnh đã khẳng định được vai trò to lớn trong việc phòng hộ, chắn sóng bảo vệ đê biển, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho nhân dân.
Rừng ngập mặn tại Thái Thụy (Thái Bình). Ảnh: VietNamNet. |
Nhận thức được vai trò và lợi ích to lớn của rừng ngập mặn mang lại, tỉnh đã triển khai nhiều dự án trồng rừng trên địa bàn huyện Thái Thụy như: Dự án Thí điểm trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu tại xã Thái Đô với diện tích 77ha, tổng kinh phí gần 17 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ, thời gian thực hiện từ năm 2011 đến năm 2015. Từ năm 2015 đến 2020, tỉnh thực hiện các dự án khác như: Dự án Phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, trồng 160ha rừng tại xã Thụy Xuân, Thụy Hải và 2 xã của huyện Tiền Hải…
Những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng của tỉnh Thái Bình luôn được chú trọng. Người dân đã có ý thức trong việc bảo vệ, trồng và phát triển rừng, xác định đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế ven biển kết hợp với phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn của địa phương. Nhiều hoạt động phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn được các cấp, các ngành triển khai.
Sáng 1/10, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nguyên nhân và các giải pháp phục hồi rừng ngập mặn bị suy thoái tại tỉnh Thái Bình". Hội thảo nhằm xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp phục hồi rừng ngập mặn bị suy thoái.
Tham dự hội thảo có ông Hoàng Văn Thiệp, Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Thái Bình, các chuyên gia về rừng ngập mặn đến từ Viện Sinh thái bảo vệ công trình, Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo UBND...
Tại hội thảo, các địa biểu đã nghe báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng, các nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp phục hồi rừng ngập mặn bị suy thoái tại tỉnh Thái Bình. Trong đó, có 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái rừng ngập mặn gồm: Yếu tố tự nhiên tác động; hoạt động thiếu ý thức của con người; diễn thế tự nhiên và các nguyên nhân khác.
Nhóm thực hiện đề tài cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp phục hồi rừng ngập mặn bị suy thoái gồm: Giải pháp thay thế cơ cấu cây trồng bằng nguồn cây tại chỗ; Giải pháp lâm sinh kết hợp công trình; Giải pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; Giải pháp kỹ thuật lâm sinh; Giải pháp tăng cường công tác quản lý.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện các nội dung theo yêu cầu của đề tài, giúp ngành lâm nghiệp tỉnh Thái Bình đánh giá chính xác thực trạng rừng ngập mặn bị suy thoái, tìm ra nguyên nhân để triển khai áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển rừng ngập mặn bị suy thoái tại Thái Bình.
Minh Phúc