Tại Thái Bình, xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh đã triển khai hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, huy động mọi nguồn lực của đia phương để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Sau 5 năm triển khai Chương trình giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh đã giảm dần qua từng năm; đời sống người dân từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

{keywords}
Thái Bình đã và đang triển khai có hiệu quả nhiều chính sách giảm nghèo bền vững. 

Theo báo cáo, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Thái Bình đã giảm gần 3%, từ 5,27% năm 2016 xuống còn 2,35% năm 2020, Cùng với tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh cũng giảm từ 3,41% năm 2016 xuống còn 2,56% năm 2020. 

Thống kê từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có hơn 15.800 lượt hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ chính sách ưu đãi với tổng kinh phí hơn 630 tỷ đồng; Có gần 72.600 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay đã giúp cho các hộ có điều kiện tự vươn lên, tạo việc làm nâng cao đời sống, thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe cũng được các địa phương tích cực triển khai. Toàn tỉnh có 428 hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới và sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí khoảng 11.984 triệu đồng. Trên 133.000 người nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Có 368.000 thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người nghèo, người cận nghèo với tổng kinh phí trên 275 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ về giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý... được người nghèo tiếp cận đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tỉnh Thái Bình còn đẩy mạnh chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ giải quyết việc làm cho hộ nghèo và các chính sách hỗ trợ khác như: hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường…

Trong 5 năm, toàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho khoảng 165.750 lao động, bình quân đạt 33.130 lao động/năm, đạt kế hoạch mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX đề ra. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho trên 173.000 người. 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 34.500 lao động trở lên, nâng tỷ lệ lao động tìm việc qua Trung tâm Dịch vụ việc làm lên trên 45%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%. 

Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của Chương trình là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 48.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 20.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 12.690 tỷ đồng; huy động hợp pháp khác 14.310 tỷ đồng.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết trên của Quốc hội, tỉnh Thái Bình sẽ tiếp tục ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp mới cho công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Minh Phúc