Đồng bộ chuyển đổi số 

Xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương là 1 trong 7 xã của cả nước được chọn để xây dựng thí điểm chuyển đổi số từ cuối năm 2020.

Để hỗ trợ địa phương chuyển đổi số, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược từ hạ tầng số đến các sản phẩm phần mềm ứng dụng thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội cho đến công tác quản lí hành chính.

Để phục vụ cho dự án này, tất cả các phòng ban, đặc biệt là tại bộ phận một cửa, cán bộ, nhân viên đều được trang bị máy tính và kết nối đầy đủ mạng Internet phục vụ cho xử lí công việc. Chính vì vậy, việc tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính công cũng đã cơ bản được cập nhật và xử lí trên hồ sơ điện tử trước khi in và xử lí bằng văn bản giấy. Điển hình là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Sở dĩ xã Hồng Thái được lựa chọn làm điểm bởi đây là xã nằm phía Bắc huyện Kiến Xương có nghề thủ công chạm bạc Đồng Xâm được truyền giữ hơn 600 năm qua. Dự án thí điểm chuyển đổi số triển khai tại xã Hồng Thái với các nội dung tái cấu trúc hạ tầng để đáp ứng cho chính quyền thông minh và tăng cường an toàn thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kĩ năng cho người dân trong việc ứng dụng công nghệ số.

Chương trình chuyển đổi số cấp xã cũng giúp đẩy mạnh thương mại điện tử (TMĐT) khi đưa các sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm lên sàn TMĐT. Ngoài ra, chương trình chuyển đổi số còn hỗ trợ triển khai truyền thanh thông minh và tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa cho người dân địa phương.

Nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số

Hiện nay Cổng dịch vụ công Thái Bình và hệ thống thông tin một cửa thống nhất trong toàn tỉnh với 287 cơ quan, đơn vị. Hiện, Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đang cung cấp 1.773 thủ tục hành chính, trong đó có 550 dịch vụ công mức độ 2; 594 DVCTT mức độ 3 và 629 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

{keywords}
Một góc hạ tầng cáp và viễn thông tại Thái Bình

Với những thay đổi nhanh chóng về hạ tầng công nghệ và tích cực ứng dụng công nghệ trong các hoạt động quản lý điều hành, chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT (ICT-Index) năm 2018 của Thái Bình đạt thứ 36; năm 2019 xếp thứ 31 và năm 2020 xếp thứ 39/63 tỉnh/thành phố.

Không thể phủ nhận, những thành tựu này đã mang lại hiệu quả rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch bệnh của tỉnh, điển hình là việc triển khai các hội nghị trực tuyến cấp tỉnh, cấp huyện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Đẩy mạnh kinh tế số sẽ giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, khách hàng, tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ sinh thái chuyển đổi số sẽ hỗ trợ Thái Bình thúc đẩy các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như sản xuất công nghiệp, kinh tế biển, thủy sản, du lịch, nông nghiệp.

Bởi vậy, trong giai đoạn 2021 - 2026, Thái Bình sẽ tập trung vào các giải pháp như: Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh (IOC), các nền tảng dùng chung: Dịch vụ Hành chính công; Trục liên thông văn bản; Hệ thống Thông tin báo cáo điều hành; Nền tảng tích hợp ứng dụng và dịch vụ CNTT; các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành như: CSDL ngành Y tế, Giáo dục, Công thương, Đầu tư, Lao động, Giao Thông, Công chức viên chức, Hộ tịch…; giải pháp số hóa tài liệu, hồ sơ lưu trữ trực tuyến.

Vũ Thư